Mua bán bất động sản (BĐS) là hoạt động giao dịch có giá trị tài sản lớn, khi thực hiện mua bán cần đáp ứng được những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Trên thực tế thị trường hiện nay có hình thức giao dịch BĐS bằng giấy viết tay. Vậy mua bán BĐS bằng giấy viết tay có giá trị pháp lý hay không? Hãy cùng Mys Law cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Đất đai 2013;
– Bộ luật Dân sự 2015;
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
– Nghị định 01/2017/NĐ-CP.
1. Thế nào là giấy mua bán đất viết tay?
Theo cách hiểu thông thường, giấy mua bán đất viết tay chỉ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bằng giấy tờ không có công chứng hoặc chứng thực.
Mọi người vẫn thường hiểu rằng giấy mua bán đất viết tay là một dạng hợp đồng mua bán nhà đất. Sau khi hai bên thống nhất trên cơ sở tự nguyên thuận mua vừa bán, hai bên sẽ ký với nhau một hợp đồng mua bán.
Một bản hợp đồng được viết theo hình thức là giấy mua bán nhà đất viết tay sẽ không có được sự công nhận của nhà nước và pháp luật mà chỉ có sự thoả thuận của các bên với nhau dành cho hoạt động mua bán này.
2. Mua bán nhà, đất bằng giấy viết tay có hiệu lực pháp lý không?
Tại khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP) quy định về như sau:
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai
… 54. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 như sau: “1. Các trường hợp đang sử dụng đất sau đây mà chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì người đang sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của Luật đất đai và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật: a) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008; b) Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và Điều 18 của Nghị định này; c) Sử dụng đất do nhận thừa kế quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014.” Như vậy, trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng trước ngày 01/7/2014 thì khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận lần đầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển nhượng nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất. |
Tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định rằng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Quy định rằng Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ ngày 01/7/2014.
Theo đó, từ ngày 01/7/2014 cho tới hiện nay, một hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bắt buộc phải được công chứng, chứng thực. Trường hợp hợp đồng không được công chứng, chứng thực thì hợp đồng sẽ trở nên vô hiệu.
Trường hợp khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chỉ có đất) không được công chứng, chứng thực mà các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ của hợp đồng thì Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó (khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015)
Theo đó, có 2 trường hợp mua bán nhà, đất bằng giấy mua bán đất viết tay có hiệu lực pháp lý là:
+ Hợp đồng chuyển nhượng đó chỉ có hiệu lực khi diễn ra trước ngày 01/7/2014.
+ Các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ của hợp đồng khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chỉ có đất).
3. Quy định về quyền chung của người sử dụng đất là gì?
Đối với quy định về quyền chung của người sử dụng đất thì tại Điều 166 Luật Đất đai 2013quy định cụ thể như sau:
“Điều 166. Quyền chung của người sử dụng đất
1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất. 3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp. 4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp. 5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình. 6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này. 7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.” |
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!