Án phí là khoản tiền mà đương sự phải nộp khi tham gia tố tụng để giải quyết vụ án dân sự. Việc xác định mức án phí và tạm ứng án phí giúp các bên đương sự dự liệu được chi phí cần thiết khi thực hiện quyền khởi kiện. Theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, án phí trong vụ án dân sự bao gồm án phí sơ thẩm, án phí phúc thẩm và được chia thành án phí có giá ngạch và án phí không có giá ngạch.

1. Mức án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm

Mức án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm được quy định cụ thể trong Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 như sau:

Án phí không có giá ngạch

Loại tranh chấp Mức án phí sơ thẩm Mức án phí phúc thẩm
Dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động 300.000 đồng 300.000 đồng
Kinh doanh, thương mại 3.000.000 đồng 2.000.000 đồng

Án phí có giá ngạch

Giá trị tài sản có tranh chấp Mức án phí sơ thẩm
Từ 06 triệu đồng trở xuống 300.000 đồng
Từ trên 06 triệu đồng đến 400 triệu đồng 5% giá trị tài sản có tranh chấp
Từ trên 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị vượt quá 400 triệu đồng
Từ trên 800 triệu đồng đến 02 tỉ đồng 36 triệu đồng + 3% của phần giá trị vượt quá 800 triệu đồng
Từ trên 02 tỉ đồng đến 04 tỉ đồng 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị vượt quá 02 tỉ đồng
Trên 04 tỉ đồng 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị vượt quá 04 tỉ đồng

2. Mức tạm ứng án phí

Theo Điều 7, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, mức tạm ứng án phí được xác định như sau:

  • Đối với án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch, mức tạm ứng án phí bằng mức án phí sơ thẩm tương ứng.
  • Đối với án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, mức tạm ứng án phí bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp, nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí sơ thẩm của vụ án dân sự không có giá ngạch.
  • Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm bằng mức án phí dân sự phúc thẩm tương ứng.

3. Các trường hợp không phải nộp án phí và tạm ứng án phí

Theo Điều 11, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, một số trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, bao gồm:

  • Người khởi kiện bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
  • Ngân hàng Chính sách xã hội khởi kiện thu hồi nợ vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
  • Viện Kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm.
  • Các trường hợp khác được pháp luật quy định.

Ngoài ra, đối với lệ phí Tòa án, pháp luật cũng quy định các trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, trong đó bao gồm yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công, yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con hoặc buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Việc nắm rõ mức án phí và tạm ứng án phí sẽ giúp đương sự chủ động hơn trong quá trình khởi kiện, đồng thời đảm bảo quyền lợi của mình trong quá trình tố tụng.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!

Người biên tập: Nguyễn Anh Quân