Kinh phí công đoàn là nguồn tài trợ cho hoạt động đoàn ở các cấp và theo pháp luật hiện hành thì kinh phí công đoàn được trích theo tỷ lệ 2% trên tổng số tiền lương mà đơn vị sử dụng lao động phải trả cho người lao động. Khi trích kinh phí này thì 1/2 sẽ được nộp cho công đoàn cấp trên và 1/2 để lại cho hoạt động công đoàn ở doanh nghiệp. Vậy mức đóng kinh phí công đoàn 2% cho người lao động do doanh nghiệp cho thuê lại lao động hay doanh nghiệp thuê lại lao động đóng? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Nghị định 191/2013/NĐ-CP;

– Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016;

– Luật Công đoàn 2012.

1. Tài chính công đoàn bao gồm các nguồn thu nào theo quy định?

Theo Điều 26 Luật Công đoàn 2012 quy định về tài chính công đoàn như sau:

Điều 26. Tài chính công đoàn

Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;

3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;

4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Theo đó, tài chính công đoàn gồm các nguồn thu cụ thể nêu trên.

Trong đó, đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng cho người lao động.

2. Mức đóng kinh phí công đoàn và căn cứ đóng được quy định như thế nào?

Mức đóng kinh phí công đoàn và căn cứ đóng kinh phí công đoàn căn cứ theo Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 5. Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn

Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học-kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.

Theo đó, mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Mức đóng kinh phí công đoàn 2% cho người lao động do doanh nghiệp cho thuê lại lao động hay doanh nghiệp thuê lại lao động đóng?

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP về đối tượng đóng kinh phí công đoàn như sau:

Điều 4. Đối tượng đóng kinh phí công đoàn

Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:

4. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.

7. Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Theo đó, doanh nghiệp thuộc đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định mà không phân biệt doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở nên doanh nghiệp cho thuê lại lao động hay doanh nghiệp thuê lại lao động đều phải đóng kinh phí công đoàn theo quy định.

Do đó, trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại lao động nhưng về bản chất những lao động đó ký hợp đồng với doanh nghiệp chị và doanh nghiệp chị là đơn vị trực tiếp trả lương cho người lao động nên doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn tại doanh nghiệp mình và mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nêu trên.

4. Thời hạn đóng kinh phí công đoàn là khi nào theo quy định pháp luật hiện hành?

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP về phương thức đóng kinh phí công đoàn như sau:

Điều 6. Phương thức đóng kinh phí công đoàn

1. Cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan, đơn vị mở tài khoản giao dịch căn cứ giấy rút kinh phí công đoàn, thực hiện việc kiểm soát chi và chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của tổ chức công đoàn tại ngân hàng.

2. Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

3. Tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.

Theo đó, đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, từng đối tượng đóng theo quy định cụ thể trên.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!