Các doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của Nhà nước về việc nộp báo cáo tài chính đúng hạn và tránh vi phạm. Trong trường hợp không thể nộp đúng thời hạn, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức phạt tương ứng. Thời gian trễ tính từ ngày kết thúc kỳ kế toán và mức phạt sẽ tăng dần theo thời gian trễ hạn. Vậy mức xử phạt chậm nộp, không nộp báo cáo tài chính 2024 cụ thể ra sao? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 41/2018/NĐ-CP;
– Thông tư 200/2014/TT-BTC;
– Thông tư 133/2016/TT-BTC.
1. Mức xử phạt chậm nộp, không nộp báo cáo tài chính 2024 cụ thể ra sao?
Tại Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP có quy định việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính như sau:
Điều 12. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định; b) Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định; b) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính; c) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định; d) Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính; đ) Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật; b) Cung cấp, công bố các báo cáo tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán. 4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; b) Không công khai báo cáo tài chính theo quy định. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp và công khai báo cáo kiểm toán đính kèm báo cáo tài chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, d khoản 2 Điều này. |
Như vậy, mức xử phạt chậm nộp, không nộp báo cáo tài chính 2024 tùy từng trường hợp cụ thể như sau:
Chậm nộp báo tài chính
Hành vi | Mức xử phạt |
Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định | Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng |
Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định | Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng |
Không nộp báo cáo tài chính
Hành vi không nộp báo cáo tài chính sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2. Thời hạn nộp báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp năm 2023?
Căn cứ tại Điều 109 Thông tư 200/2014/TT-BTC và khoản 1 Điều 80 Thông tư 133/2016/TT-BTC, thời gian nộp báo cáo tài chính năm của năm 2023 đối với từng doanh nghiệp như sau:
(1) Doanh nghiệp nhà nước
– Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày;
Cụ thể: Kỳ kế toán theo năm dương lịch 2023 của doanh nghiệp từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính năm của năm 2023 là 30/1/2024 và 30/3/2024 (đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước).
– Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp Báo cáo tài chính năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
(2) Loại hình doanh nghiệp khác
– Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày;
Cụ thể: Kỳ kế toán theo năm dương lịch 2023 của doanh nghiệp là từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính của năm 2023 là 30/1/2024 (đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh) và 30/3/2024 (đối với các loại hình doanh nghiệp khác)
– Đơn vị kế toán trực thuộc nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.
(3) Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Phải lập và gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính cho các cơ quan có liên quan theo quy định.
Cụ thể: Năm tài chính theo năm dương lịch 2023 của doanh nghiệp từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính của năm 2023 là 30/3/2024.
3. Doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính ở đâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 110 Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn nơi nộp báo cáo tài chính như sau:
– Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập và nộp Báo cáo tài chính cho Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với doanh nghiệp Nhà nước Trung ương còn phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp).
– Đối với các loại doanh nghiệp Nhà nước như: Ngân hàng thương mại, công ty xổ số kiến thiết, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty kinh doanh chứng khoán phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính ngân hàng hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm).
– Các công ty kinh doanh chứng khoán và công ty đại chúng phải nộp Báo cáo tài chính cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán.
– Các doanh nghiệp phải gửi Báo cáo tài chính cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý thuế tại địa phương. Đối với các Tổng công ty Nhà nước còn phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế).
– Doanh nghiệp có đơn vị kế toán cấp trên phải nộp Báo cáo tài chính cho đơn vị kế toán cấp trên theo quy định của đơn vị kế toán cấp trên.
– Đối với các doanh nghiệp mà pháp luật quy định phải kiểm toán Báo cáo tài chính thì phải kiểm toán trước khi nộp Báo cáo tài chính theo quy định. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán phải đính kèm báo cáo kiểm toán vào Báo cáo tài chính khi nộp cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cấp trên.
– Cơ quan tài chính mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải nộp Báo cáo tài chính là Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở kinh doanh chính.
– Đối với các doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, ngoài các cơ quan nơi doanh nghiệp phải nộp Báo cáo tài chính theo quy định trên, doanh nghiệp còn phải nộp Báo cáo tài chính cho các cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện quyền của chủ sở hữu theo Nghị định 99/2012/NĐ-CP (hết hiệu lực) và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
– Các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao còn phải nộp Báo cáo tài chính năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!