Thực tế có không ít công ty nhân dịp người lao động nghỉ thai sản mà đuổi việc người đó gây nhiều bất công cho người lao động. Vậy trường hợp nghỉ thai sản bị đuổi việc, người lao động cần làm gì để đòi lại quyền lợi? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Mys Law.
Công ty có được đuổi việc người lao động đang nghỉ thai sản?
Theo Bộ luật Lao động năm 2019, công ty không được phép đuổi việc người lao động đang trong thời gian nghỉ thai sản bởi các điều khoản sau:
– Thứ nhất, khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2019 yêu cầu người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
– Thứ hai, điểm c khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019 yêu cầu người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nói cách khác, người lao động đang nghỉ thai sản không thể bị xử lý kỷ luật sa thải.
– Thứ ba, khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng nghiêm cấm người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc doanh nghiệp bị ra thông báo không có người đại diện.
Nếu cố tình đuổi việc người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng (theo điểm h, i khoản 2 Điều 28 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động).
Cùng với việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc để tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã ký trước đó.
Nghỉ thai sản bị công ty đuổi việc, phải làm sao?
Hành vi đuổi việc người lao động đang nghỉ chế độ thai sản là hành vi vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nên nếu rơi vào trường hợp này, người lao động có thể đòi lại quyền lợi chính đáng nhờ một trong các cách sau đây:
Cách 1. Khiếu nại đến cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền.
Việc khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
– Khiếu nại lần đầu: Tới người sử dụng lao động.
Nếu không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết của người sử dụng lao động thì thực hiện khiếu nại lần hai hoặc trực tiếp khởi kiện tại Tòa án.
– Khiếu nại lần hai: Tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.
Trong quá trình xử lý vụ việc, nếu phát hiện sai phạm, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt công ty vi phạm, trả lại quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Cách 2. Tố cáo vi phạm của công ty đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính.
Theo Điều 39 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính xử lý.
Trong quá trình xử lý vụ việc, nếu phát hiện sai phạm, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt công ty vi phạm, đồng thời trả lại quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Cách 3. Khởi kiện trực tiếp tới Tòa án.
Hành vi đuổi việc người lao động đang nghỉ thai sản được xem là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật nên theo Điều 188 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có thể trực tiếp gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.
Cách 4. Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động.
Căn cứ Điều 188 Bộ luật Lao động 2019, các bên không bắt buộc phải thực hiện theo cách này để giải quyết tranh chấp khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Tuy nhiên việc xử lý tranh chấp thông qua hòa giải sẽ giúp các bên hiểu và thông cảm cho nhau hơn, không gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa các bên.
Trên đây là hướng giải quyết khi người lao động nghỉ thai sản bị đuổi việc. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!