Mình đang trong giai đoạn thử việc ở một công ty. Tuy nhiên mình cảm thấy công việc này không hợp với mình. Mình muốn nghỉ việc. Vậy mình có cần báo trước cho họ hay không? Để giải đáp những thắc mắc trên mời quý bạn đọc cùng MYS LAW tìm hiểu vấn đề trên qua bài viết “ Nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần báo trước”.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Lao động 2019
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP
Mỗi vị trí công việc phải làm thử trong thời gian bao lâu?
Điều 25 Bộ luật Lao động đã quy định cụ thể về thời gian thử việc đối với mỗi vị trí việc làm như sau:
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Theo đó, mỗi công việc chỉ phải thử việc 01 lần theo thời gian do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá thời gian tối đa sau đây:
– 180 ngày: Công việc của người quản lý doanh nghiệp.
– 60 ngày: Công việc cần trình độ cao đẳng trở lên.
– 30 ngày: Công việc cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
– 06 ngày làm việc: Công việc khác.
Nếu thử việc quá thời gian nói trên, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
[…]
b) Thử việc quá thời gian quy định; […]
Theo đó, người sử dụng lao động vi phạm sẽ bị phạt từ 02 – 05 triệu đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp còn phải trả đủ 100% tiền lương cho những ngày thử việc vượt quá thời gian quy định.
Ngoài việc áp dụng thời gian thử việc tối đa, nếu người lao động có chuyên môn tốt, các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận thời gian thử việc ngắn hơn so với quy định của pháp luật.
Nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần báo trước?
Theo Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2019, sau khi kết thúc thử việc mà người lao động được đánh giá là thử việc không đạt thì hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động có lồng nội dung thử việc đã ký sẽ bị chấm dứt.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng chấm dứt hợp đồng theo các này. Thực tế rất nhiều người lao động trong thời gian thử việc phát hiện ra bản thân không phù hợp với công việc, văn hóa doanh nghiệp mà muốn xin nghỉ việc.
Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Lao động đã nêu rõ:
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Như vậy, nếu đang trong thời gian thử việc, người lao động hoàn toàn có quyền tự ý nghỉ việc mà không cần báo trước. Cùng với đó, người lao động cũng không phải bồi thường nếu gây thiệt hại do việc tự ý chấm dứt thử việc gây ra cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được yêu cầu thử việc mấy lần?
Điều 25 BLLĐ năm 2019 ghi nhận:
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
[…]
Theo đó, doanh nghiệp chỉ được yêu cầu thử việc 01 lần đối với 01 công việc mà các bên đã thỏa thuận.
Trường hợp đã hết thời gian thử việc mà vẫn yêu cầu người lao động thử việc lần nữa với công việc đã làm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính từ 02 – 05 triệu đồng (căn cứ điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Tuy nhiên, pháp luật không cấm thử việc nhiều lần với nhiều công việc khác nhau tại cùng một doanh nghiệp. Đồng nghĩa với đó, người sử dụng lao động và người lao động hoàn toàn có thể thỏa thuận thử việc nhiều lần nhưng mỗi lần thử việc chỉ được thực hiện 01 công việc.
Vì vậy, nếu người lao động hết thời gian thử việc mà vẫn không đạt yêu cầu của vị trí việc làm thì người sử dụng lao động có thể yêu cầu thử việc với các công việc khác mà người đó chưa làm thử.
Trong thời gian thử việc, người lao động được hưởng quyền lợi gì?
Dù chưa chính thức xác lập quan hệ lao động nhưng người lao động trong thời gian thử việc vẫn được hưởng các quyền lợi sau như sau:
* Điều kiện lao động:
– Về tiền lương: Người lao động được trả ít nhất 85% mức lương của công việc mà người đó làm thử.
Căn cứ: Điều 26 BLLĐ năm 2019
– Về thời gian làm việc: Được đảm bảo về thời gian làm việc bình thường không quá 08 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần và thời gian làm thêm giờ không vượt quá mức quy định.
Căn cứ: Điều 105 và Điều 107 BLLĐ năm 2019
– Thời giờ nghỉ ngơi:
+ Được đảm bảo về thời gian nghỉ giữa ca: ít nhất 30 phút liên tục nếu làm việc ban ngày, ít nhất 45 phút liên tục nếu làm việc ban đêm (làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc).
Căn cứ: Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
+ Nghỉ hằng năm: Được tính hưởng phép năm nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
Căn cứ: Khoản 2 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
+ Nghỉ lễ, Tết: Người lao động thử việc cũng được nghỉ làm hưởng nguyên lương trong các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên tiền lương được nhận là mức lương thử việc đã thỏa thuận.
Căn cứ: Điều 112 BLLĐ năm 2019
* Về bảo hiểm xã hội:
Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc chỉ áp dụng đối với người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên. Vì vậy, nếu ký hợp đồng lao động để thử việc thì người lao động sẽ được đóng BHXH bắt buộc. Đồng nghĩa với đó, trong thời gian thử việc, người này sẽ được hưởng các chế độ của BHXH.
Trường hợp ký hợp đồng thử việc thì người lao động không được hưởng quyền lợi này.
Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected]
Trân trọng!