Người phụ nữ trèo lên nắp capo chặn xe, đập vỡ kính xe đánh ghen… là nội dung những video được chia sẻ rầm rộ khắp mạng xã hội. Những hành động đánh ghen dạng này có thể gây thương tích và nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Tố tụng hình sự 2017;

– Bộ luật Hình sự 2015;

– Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

1. Người dùng nón bảo hiểm đập vỡ kính ô tô để đánh ghen bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?

Theo quy định tại điểm a khoản 2, khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;

b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;

c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;

đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;

e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;

c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Theo quy định trên, người dùng nón bảo hiểm đập vỡ kính ô tô để đánh ghen mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

Đồng thời người này còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.

Lưu ý rằng: nếu người vi phạm là người nước ngoài thì ngoài hình thức xử phạt nêu trên, người này còn bị áp dụng hình phạt là trục xuất.

2. Người dùng nón bảo hiểm đập vỡ kính ô tô để đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, người dùng nón bảo hiểm đập vỡ kính ô tô để đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trong những trường hợp sau:

+ Tài sản bị hư hỏng (kính xe ô tô) có trị giá từ 2.000.000 trở lên.

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác mà còn vi phạm.

+ Đã bị kết án về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, và giá trị của tài sản bị hư hỏng mà người dùng nón bảo hiểm đập vỡ kính ô tô để đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với các khung hình phạt được quy định tại Điều 178 nêu trên.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Có khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc dùng nón bảo hiểm đập vỡ kính ô tô để đánh ghen nếu không có yêu cầu của chủ xe không?

Căn cứ Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Như vậy, người dùng nón bảo hiểm đập vỡ kính ô tô để đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự.

Pháp luật quy định một số tội phạm chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại tại khoản 1 Điều 155 nêu trên, trong đó không có tội phạm tại Điều 178 Bộ luật Hình sự. Do đó kể cả trong trường hợp không có yêu cầu của chủ xe (bị hại) thì vụ án này vẫn có thể bị khởi tố khi có đủ căn cứ.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!