Nhu cầu đổi tiền lẻ dịp Tết 2023 tăng cao đặc biệt trong khoảng thời gian này, khi Tết Nguyên đán đang ngày càng đến gần. Trên mạng xã hội, tại các hội nhóm, xuất hiện liên tục các bài viết quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ, đổi tiền mới với đủ mệnh giá, bán những tờ tiền có số seri đẹp hay ngày tháng năm sinh… Theo quảng cáo, khách hàng muốn loại tiền mới nào cũng có, đủ tờ, nguyên seri, nguyên cọc, giao hàng nhanh, chi phí rẻ… Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu. Vậy Mys Law sẽ cung cấp những điểm cần lưu ý khi đổi tiền lẻ thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lí:
- Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông
- Nghị định số 143/2021/NĐ-CP
- Nghị định 88/2019/NĐ-CP
1. Tết 2023 này đổi tiền lẻ ở đâu?
Khi những ngày Tết càng gần kề thì nhu cầu đổi tiền lẻ dịp Tết của người dân càng cao. Câu hỏi đặt ra là, vậy phải đổi tiền lẻ ở đâu. Và câu trả lời là Ngân hàng. Ngân hàng là địa chỉ đổi tiền Tết uy tín cũng như an toàn nhất.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, không phải ngân hàng nào cũng sẽ đổi tiền lẻ cho người dân trong dịp Tết này bởi đây cũng là thời điểm ngân hàng vô cùng bận nên nhân viên ngân hàng có thể không có thời gian để hỗ trợ người dân đổi tiền lẻ, tiền mới.
Dù vậy, tại Điều 6 Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, ngân hàng phải có trách nhiệm thu hồi, đổi ngay cho khách hàng có nhu cầu, không hạn chế số lượng và không yêu cầu thủ tục, giấy tờ nếu tiền đó không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Trong đó, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông gồm các loại tại khoản 1, khoản 3 Điều 4 Thông tư số 25:
– Tiền rách nát, hư hỏng do nguyên nhân khách quan trong quá trình lưu thông:
- Bị thay đổi màu sắc, hình ảnh bị mờ hoa văn, chữ và số;
- Tiền bị nhàu, nát, bẩn, nhoè, cũ; rách rời hoặc liền mảnh được dán lại nhưng vẫn còn nguyên tờ tiền.
- Tiền xu bị mòn, han gỉ, hư hỏng một phần/toàn bộ hình ảnh, hoa văn, số, chữ, lớp mạ.
– Tiền bị lỗi kỹ thuật do in, đúc như bị gấp nếp làm mất hình ảnh hoặc màu in, lấm bẩn mực in hoặc các lỗi khác trong khâu in, đúc.
Đặc biệt: Nếu ngân hàng không đổi tiền cho người dân khi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thì ngân hàng có thể bị phạt từ 10 – 15 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 19 Điều 1 Nghị định số 143/2021/NĐ-CP.
2. Đổi tiền lẻ tại ngân hàng có mất phí không?
Theo quy định, ngân hàng chỉ thực hiện đổi tiền lẻ trong các trường hợp tiền không đủ điều kiện để lưu thông. Tuy nhiên, có một số ngân hàng có hỗ trợ đổi tiền cũ lấy tiền mới, đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ không mất phí cho khách hàng.
Tuy nhiên, số lượng tiền lẻ mà mỗi nhân viên ngân hàng được cấp cũng chỉ giới hạn nhất định nên thường họ chỉ dùng để đổi cho khách hàng thân thiết của ngân hàng đó để tri ân khách hàng mỗi dịp cuối năm.
Do đó, khi đổi tiền tại ngân hàng thì sẽ không mất phí nhưng thường không phải khách hàng nào cũng được hỗ trợ đổi mỗi dịp Tết đến xuân về.
3. Đổi tiền lẻ dịp Tết kiếm lời, bị phạt thế nào?
Trong dịp Tết Nguyên đán những năm qua, ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mệnh giá dưới 10.000 đồng. Đồng thời, cũng cấm nhân viên ngân hàng lợi dụng, tiếp tay đổi tiền lẻ ăn chênh lệch.
Đồng thời, theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN, chỉ đổi tiền trong trường hợp tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông (trừ trường hợp ngân hàng tri ân), nên mọi hành vi đổi tiền ăn chênh lệch, đổi tiền không đúng mệnh giá… đều là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, theo điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, nếu thực hiện đổi tiền không đúng quy định sẽ bị phạt từ 20 – 40 triệu đồng. Nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần, tương đương là 40 – 80 triệu đồng.
4. Đổi tiền lẻ dịp Tết, cẩn thận bị sập bẫy tiền giả
Ngoài đổi tiền lẻ dịp Tết tại ngân hàng, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới cũng nở rộ trong mỗi dịp cận Tết. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, người dân có thể sập bẫy lừa đảo hoặc bị đổi bằng tiền giả hoặc bị tính giá chênh lệch rất cao.
Ngoài ra, để nhận biết tiền giả, tiền thật, ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đưa ra một số phương pháp sau đây:
– Soi tờ giấy bạc trước nguồn sáng, vuốt nhẹ tờ tiền để kiểm tra các chỗ in lõm, để nghiêng tờ tiền để kiểm tra màu mực, hình ẩn nổi, kiểm tra các cửa sổ trong suốt vì phần số mệnh giá tiền sẽ được in dập nổi và hình ẩn;
– Dùng kính lúp, đèn cực tím để kiểm tra các chứ in siêu nhỏ, các chỗ phát quang.
– Kiểm tra chất liệu in tiền. Thường tiền giả chất sẽ dễ bai, giãn, rách khi kéo, xé nhẹ ở cạnh, mục in thì dễ bong tróc.
– Có thể ra trực tiếp ngân hàng để kiểm tra tiền thật hay tiền giả.
Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!