Án dân sự hiện nay chiếm phần lớn số lượng án do các Tòa án thụ lý mỗi năm, cùng với đó có nhiều luật sư chuyên sâu về tố tụng dân sự nhưng một số luật sư chỉ tham gia các vụ án ở giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm theo hợp đồng dịch vụ pháp lý mà chưa thật sư quan tâm đến giai đoạn thi hành án. Trên thực tế, hiểu biết của người dân về thi hành án dân sự còn nhiều hạn chế, trong khi đó hoạt động thi hành án dân sự gặp rất nhiều vấn đề bất cập và phức tạp, các quy định pháp luật điều chỉnh về thi hành án còn chưa thật sự đầy đủ, chặt chẽ. Dưới đây là một vài vấn đề phức tạp mà Mys Law sẽ cung cấp cho bạn đọc, cùng theo dõi để biết thêm thông tin chi tiết.

1. Cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án

Hiện nay, tại Điều 115 Luật thi hành án dân sự (THADS) hiện hành có quy định trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật này.

Quy định trên chỉ giải quyết được khó khăn tạm thời, trước mắt mà không giải quyết được vấn đề lâu dài là cuộc sống, nơi ăn chốn ở của người phải thi hành giao nhà mà chỉ có một nhà ở duy nhất. Vấn đề này chưa được chú trọng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thi hành án và chính quyền địa phương để tìm giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế của người dân, việc vận dụng linh hoạt chính sách an sinh xã hội nhưng không trái quy định pháp luật để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người phải thi hành án có nhà ở là vấn đề còn bỏ ngỏ.

2. Quy định về hoãn cưỡng chế thi hành án còn nhiều bất cập

Thực tiễn qua nhiều vụ án có trường hợp Chấp hành viên có dấu hiệu vi phạm trong việc xác minh tài sản thi hành án, cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản, khi tổ chức thực hiện cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá thì người phải thi hành án không đồng ý, thậm chí có trường hợp Chấp hành viên thừa nhận sai phạm của mình nhưng do đã huy động đầy đủ lực lượng để cưỡng chế và pháp luật cũng không có quy định trường hợp nào được hoãn cưỡng chế? Thời gian hoãn cưỡng chế là bao nhiêu ngày? vì vậy Chấp hành viên tiếp tục đề nghị các lực lượng phối hợp tổ chức cưỡng chế theo kế hoạch, bỏ mặc hậu quả có thể xảy ra hoặc đáng lẽ có thể ngăn chặn được. Chấp hành viên cho rằng người phải thi hành án có quyền khiếu nại, tố cáo nếu thấy việc cưỡng chế thi hành án là không đúng, tuy nhiên việc cưỡng chế xong mới xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì hậu quả đã xảy ra là rất khó khắc phục, thậm chí không thể khắc phục được.

Mặt khác, nhiều vụ việc thi hành án cho thấy sự chưa rõ ràng về thẩm quyền hoãn cưỡng chế thi hành án giữa Cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, Ban chỉ đạo thi hành án. Khi tổ chức cưỡng chế thi hành án, có nhiều trường hợp Ban chỉ đạo thi hành án, cơ quan Công an đề nghị hoãn cưỡng chế do việc trình tự thủ tục thi hành án chưa đảm bảo theo quy định, chưa thực hiện việc phân chia tài sản chung hoặc có tranh chấp của người thứ ba đối với tài sản thi hành án để tránh vụ việc phức tạp khó giải quyết, nhưng cơ quan thi hành án không đồng ý hoãn, do đó đã phát sinh bất cập là cơ quan nào có thẩm quyền hoãn cưỡng chế thi hành án?

3. Vai trò kiểm sát thi hành án dân sự của Viện kiểm sát chưa thực sự phát huy hết hiệu quả

Từ thực tiễn trên cho thấy Kiểm sát viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Chấp hành viên cũng như các lực lượng phối hợp trong buổi cưỡng chế thi hành án cũng như cả quá trình tổ chức thi hành án. Do đó, đối với các vụ cưỡng chế lớn, phức tạp cần trực tiếp lãnh đạo Viện kiểm sát cùng cấp tham gia, cần thiết đề nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát. Bên cạnh đó cũng cần có phòng ban chuyên môn, Kiểm sát viên chuyên trách về kiểm sát hoạt động thi hành án để tránh việc giao Kiểm sát viên không chuyên trách, lúng túng khi thực hiện việc kiểm sát tham gia cưỡng chế thi hành án.

Cưỡng chế thi hành án là vấn đề lớn, phức tạp, người phải thi hành án thường không đồng ý, không hợp tác vì cho rằng quá trình tổ chức thi hành án còn nhiều sai phạm chưa được làm rõ vì vậy cơ quan thi hành án cần hết sức thận trọng, hoãn cưỡng chế trong trường hợp cần thiết để tránh hậu quả không thể khắc phục được trong thi hành án. Ưu tiên biện pháp giáo dục, thuyết phục để người phải thi hành án tự nguyện bàn giao tài sản. Đồng thời, kịp thời tham mưu cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn thiện các quy đinh pháp luật về cưỡng chế thi hành án để vừa đảm bảo thi hành án hiệu quả, vừa đảm bảo cuộc sống của người phải thi hành án sau khi bị cưỡng chế, cơ quan thi hành án có thời gian để xác minh, làm rõ những sai phạm trong việc tổ chức thi hành án, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.

Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!