Lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu mà các chủ thể hướng tới khi tham gia hoạt động kinh doanh. Dù là loại hình doanh nghiệp gì, lợi nhuận công ty đều chia theo tỷ lệ vốn góp khi đăng ký thành lập công ty. Vậy nên, việc phân chia lợi nhuận luôn là vấn đề mà các thành viên, hoặc các cổ đông trong công ty đặc biệt quan tâm. Hãy cùng Mys Law tìm hiểu việc phân chia lợi nhuận thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP;
- Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT.
1. Chia lợi nhuận trong công ty TNHH một thành viên:
Theo quy định tại Điều 74 Luật doanh nghiệp 2020 thì: “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.” Mô hình quản lý công ty TNHH một thành viên là cá nhân bao gồm: Chủ tịch công ty, giám đốc (tổng giám đốc). Chủ tịch công ty có thể kiêm giám đốc (tổng giám đốc).
Khoản lợi nhuận trong công ty TNHH một thành viên có thể hiểu là phần tài sản thu được trong quá trình hoạt động kinh doanh sau khi trừ đi tất cả các chi phí là thuế
– Đối với công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu: Sẽ được hưởng toàn bộ số lợi nhuận đó. Chủ sở hữu công ty sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
– Đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu: Các thành viên trong tổ chức sẽ hưởng lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn. Chia lợi nhuận ở công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có 2 cách như sau:
- Thứ nhất, chia theo thỏa thuận, cam kết giữa các thành viên công ty:
Việc phân chia lợi nhuận theo thỏa thuận của thành viên công ty được ghi nhận tại điều lệ công ty bởi đây là văn bản thỏa thuận giữa các thành viên về việc thành lập công ty và nguyên tắc hoạt động của công ty. Ngay từ khi thành lập công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu, các thành viên sẽ tự thỏa thuận với nhau về nguyên tắc phân chia lợi nhuận, sau đó mới ghi nhận vào điều lệ.
- Thứ hai, chia lợi nhuận theo phần vốn góp tương ứng của thành viên:
Dựa trên số vốn góp của từng thành viên, công ty sẽ tiến hành phân chia tỷ lệ phần trăm lợi nhuận: Số vốn góp của thành viên càng nhiều thì lợi nhuận nhận được sẽ nhiều hơn so với các thành viên góp vốn ít hơn. Đây là phương thức chia lợi nhuận được rất nhiều công ty TNHH áp dụng.
Trường hợp có thỏa thuận, lợi nhuận kinh doanh sẽ được chia theo thỏa thuận nếu khi góp vốn các thành viên có thỏa thuận về lợi nhuận và phải được ghi trong Điều lệ công ty. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì phần lợi nhuận sẽ được phân chia theo quy định của Luật doanh nghiệp cụ thể là chia theo tỷ lệ phần vốn góp. Sở dĩ Luật quy định nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế phải được quy định trong Điều lệ là bởi Điều lệ công ty chính là Luật con của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối, đồng thời hạn chế rủi ro về tranh chấp lợi nhuận giữa các thành viên công ty.
Lưu ý:
– Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn ( Khoản 6 điều 77 Luật doanh nghiệp 2020)
– Công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn trả sau khi chia lợi nhuận (Điều 69 Luật doanh nghiệp 2020).
2. Chia lợi nhuận trong công ty TNHH hai thành viên:
Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó thành viên có thể là tổ chức, cá nhân. Số lượng thành viên không vượt quá năm mươi. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Khoản 1 Điều 49 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về quyền của Hội đồng thành viên: “Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.”
Và theo Điều 69 Luật doanh nghiệp 2020 “Công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn trả sau khi chia lợi nhuận.”
Việc phân chia lợi nhuận trong công ty TNHH hai thành viên trở lên thường được thực hiện theo 2 cách sau:
- Chia theo thoả thuận giữa các thành viên:
- Việc phân chia lợi nhuận theo thỏa thuận của các thành viên được ghi nhận tại Điều lệ công ty -văn bản thỏa thuận giữa các thành viên về việc thành lập công ty và nguyên tắc trong quá trình hoạt động của công ty. Ngay từ khi thành lập công ty, các thành viên sẽ tự thoả thuận với nhau về nguyên tắc phân chia lợi nhuận, sau đó mới ghi vào Điều lệ. Trường hợp cách chia không còn phù hợp thì có thể thực hiện sửa đổi, bổ sung Điều lệ về việc phân chia.
- Trường hợp công ty tiếp nhận vốn góp của thành viên mới, thì giữa thành viên mới đó và công ty có thể có biên bản thoả thuận góp vốn kinh doanh và trong đó phải có thoả thuận về việc phân chia lợi nhuận.
- Chia theo phần vốn góp tương ứng của thành viên:
- Theo điểm c Khoản 1 Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2020 về quyền của Hội đồng thành viên quy định được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, dựa trên số vố góp của từng thành viên công ty sẽ tiến hành phân chia tỷ lệ phần trăm lợi nhuận: số vốn góp của thành viên càng nhiều thì phần lợi nhuận nhận được sẽ nhiều hơn so với các thành viên góp vốn ít hơn. Đây là phương thức phân chia lợi nhuận được rất nhiều công ty TNHH áp dụng.
- Quyết định phân chia lợi nhuận:
- Giám đốc, Tổng giám đốc công ty đưa ra kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận dựa trên Điều lệ công ty, mức góp vốn của từng thành viên, trình cho Hội đồng thành viên trong cuộc họp Hội đồng thành viên.
- Hội đồng thành viên căn cứ vào Điều lệ, báo cáo tài chính tiến hành biểu quyết để thông qua phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận.
- Hội đồng thành viên ra quyết định phân chia lợi nhuận.
- Trường hợp công ty tiến hành chia lợi nhuận cho các thành viên khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện về chia lợi nhuận như đã nêu trên thì các thành viên phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận hoặc liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty cho đến khi các thành viên hoàn trả đủ số tiền, tài sản khác đã nhận tương đương với lợi nhuận đã chia.
Trên đây là thông tin được Mys law đề cập tới. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!