Một trong các vấn đề liên quan đến pháp nhân được nhiều người quan tâm là pháp nhân có năng lực hành vi dân sự không? Việc xác định rõ vấn đề này rất quan trọng, cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời.
Pháp nhân có năng lực hành vi dân sự không?
Căn cứ theo Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định về năng lực hành vi dân sự chỉ áp dụng với cá nhân. Theo đó, đây là khả năng của cá nhân thực hiện, xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự bằng hành vi của chính mình.
Có thể lấy ví dụ như sau: Anh Nguyễn Văn A, đủ 18 tuổi, nếu có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được tự mình thực hiện, giao kết hợp đồng mua bán tài sản với người khác.
Tại Bộ luật Dân sự không đặt ra quy định về năng lực hành vi dân sự của pháp nhân nên có thể hiểu pháp nhân không có năng lực hành vi dân sự. Thay vào đó, Điều 86 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân.
Tương tự như năng lực hành vi dân sự của cá nhân, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng để pháp nhân đó có các quyền, nghĩa vụ dân sự và không bị hạn chế trừ trường hợp luật có quy định khác.
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được phát sinh từ thời điểm pháp nhân này được thành lập hoặc được cho phép thành lập. Với trường hợp pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
Đồng thời, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân sẽ chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân. Trong đó:
– Pháp nhân được thành lập theo nhu cầu của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và đăng ký pháp nhân thì bao gồm các hoạt động: Đăng ký thành lập, thay đổi và đăng ký khác. Việc đăng ký này phải được công bố công khai.
– Pháp nhân chấm dứt tồn tại trong các trường hợp: Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể, bị tuyên bố phá sản hoặc bị xoá tên trong sổ đăng ký hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, nói tóm lại, pháp nhân không có năng lực hành vi dân sự mà chỉ có năng lực pháp luật dân sự.
Pháp nhân có trách nhiệm dân sự như thế nào?
Sau khi xác định cụ thể pháp nhân có năng lực hành vi dân sự không thì bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc về trách nhiệm dân sự của pháp nhân. Theo đó, tại Điều 87 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về những vấn đề sau đây:
– Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của pháp nhân đó xác lập, thực hiện mà nhân danh pháp nhân đó.
– Về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc người đại diện của sáng lập viên của pháp nhân đó xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc quy định khác của luật.
Trong đó, trách nhiệm dân sự của pháp nhân được thực hiện bằng tài sản của pháp nhân đó và đặc biệt, pháp nhân sẽ không phải chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân đó thực hiện, xác lập mà không nhằm mục đích nhân danh pháp nhân trừ trường hợp có quy định khác.
Song song với đó, khoản 3 Điều 87 Bộ luật Dân sự cũng khẳng định, nếu do pháp nhân xác lập, thực hiện thì người của pháp nhân cũng không phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự thay cho pháp nhân đó.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!