Pi Network là một dự án tiền điện tử được phát triển nhằm mục đích tạo ra một loại tiền kỹ thuật số, gọi là đồng Pi. Hiện tại, đồng Pi đã chính thức ra mắt trên sàn giao dịch OKX. Theo ghi nhận từ sàn OKX, cặp giao dịch PI/USDT đã bắt đầu được niêm yết với biên độ dao động mạnh. Trong 24 giờ qua, mức giá thấp nhất ghi nhận là 0,1 USDT (tiền ảo ngang giá đồng USD), trong khi mức cao nhất đạt 2,2 USDT. Vào lúc 16h50 chiều ngày 20/2, giá giao dịch của đồng Pi trên OKX đang ở mức 1,56 USDT, tăng gần 1,5% trong một khoảng thời gian ngắn sau khi lên sàn.

Việc bán Pi Network tại Việt Nam cần lưu ý nhiều yếu tố quan trọng. Theo Công văn số 5747/NHNN-PC năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xác định rằng tiền ảo nói chung và Pi Network nói riêng không phải là tiền tệ và không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo như một phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm này đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cũng như trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã nhiều lần cảnh báo về những rủi ro lớn mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi tham gia đầu tư vào tiền ảo.

Giá trị của Pi Network trên các sàn giao dịch không chính thức có thể biến động lớn, dẫn đến rủi ro tài chính cho người tham gia. Dù một số sàn giao dịch quốc tế đã niêm yết Pi Network, việc mua bán có thể gặp nhiều khó khăn do hạn chế về thanh khoản và sự chấp nhận của thị trường. Ngoài ra, đã có nhiều báo cáo về việc lợi dụng Pi Network để thực hiện các hành vi lừa đảo, thu thập thông tin cá nhân hoặc chiếm đoạt tài sản. Người dùng cần thận trọng và xác minh kỹ thông tin trước khi tham gia giao dịch. Việc bảo vệ thông tin cá nhân cũng là yếu tố quan trọng, cần tránh cung cấp thông tin nhạy cảm cho các nền tảng hoặc cá nhân không đáng tin cậy để giảm thiểu nguy cơ bị lừa đảo hoặc mất mát tài sản.

Các hình thức xử phạt, mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng được quy định tại Điều 3 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP. Hình thức xử phạt chính bao gồm cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra, còn có các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ có thời hạn đối với một hoặc một số hoạt động ngân hàng, tịch thu tang vật và phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng. Đối với cá nhân thuộc quỹ tín dụng nhân dân hoặc tổ chức tài chính vi mô, mức phạt tiền bằng 10% mức phạt quy định tại Chương II Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, trong khi mức phạt đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô gấp đôi mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân thuộc các tổ chức này. Thẩm quyền phạt tiền của từng chức danh được quy định tại Chương III Nghị định số 96/2014/NĐ-CP và áp dụng đối với cá nhân, trong khi thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!

Người biên tập: Nguyễn Anh Quân