Xe ưu tiên là các loại xe theo quy định của pháp luật được hưởng các quyền ưu tiên khi tham gia giao thông. Cụ thể, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, thì người tham gia giao thông phải nhường đường, không được cản trở xe được quyền ưu tiên.
1. Các loại xe được ưu tiên:
Theo quy định tại Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008, có 5 loại xe được ưu tiên. Cụ thể:
+ Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
+ Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
+ Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
+ Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
+ Đoàn xe tang.
2. Thứ tự ưu tiên:
Xe ưu tiên là loại xe đặc biệt, phục vụ cho những trường hợp khẩn cấp. Như đã phân tích ở trên, hiện nay, Nhà nước đưa ra 5 loại xe ưu tiên. Mỗi loại xe phục vụ cho hoạt động đặc biệt khác nhau.
– Tuy nhiên, xét theo mức độ, Nhà nước đã đưa ra những quy định về thứ tự xe ưu tiên. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ, thứ tự xe ưu tiên được Nhà nước đưa ra như sau:
1. Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
2. Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
3. Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
4. Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
5. Đoàn xe tang.
Việc quy định thứ tự xe ưu tiên dựa vào tính chất của tình huống phát sinh gắn liền với loại xe đó. Nó giúp hoạt động di chuyển của các loại xe này được khách quan, nhanh chóng và đạt được hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, trong trường hợp có nhiều xe ưu tiên di chuyển trên cùng một đoạn đường, thứ tự ưu tiên sẽ giúp việc di chuyển được chuẩn chỉnh, đúng trật tự, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về tính khẩn thiết trong từng trường hợp rủi ro phát sinh.
Như vậy về nguyên tắc, ngoài các xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ, các phương tiện giao thông phải dừng lại khi đèn đỏ bật (trừ trường hợp có hiệu lệnh khác của người điều khiển giao thông hoặc có biển báo được phép rẽ phải thì các phương tiện vẫn được phép rẽ phải). Nếu người tham gia giao thông không tuân thủ quy định này là vi phạm luật giao thông đường bộ.
Trường hợp thấy tín hiệu của xe ưu tiên thì người tham gia giao thông bất kể đang di chuyển từ hướng nào tới đều phải thực hiện các quy tắc nói trên để nhường đường cho xe ưu tiên chứ không chỉ đối với các phương tiện đang chạy phía trước của xe ưu tiên. Tuy nhiên, các phương tiện không được phép vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên bởi luật đã quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông hoặc theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Hơn nữa, các phương tiện này không được trang bị hệ thống tín hiệu ưu tiên để cảnh báo như còi, đèn, cờ… nên nếu vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có thể sẽ gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác.
Do vậy, trong trường hợp đến các điểm giao cắt mà có xe ưu tiên từ phía sau đi tới thì người tham gia giao thông cũng không được phép vượt đèn đỏ hoặc rẽ phải dù chỉ nhằm mục đích duy nhất là nhường đường cho xe ưu tiên mà trong trường hợp này người tham gia giao thông chỉ được phép “giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải”.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!