Hiện nay, trong quá trình xây dựng, cải tạo và phát triển đô thị, đặc biệt là đối với các đô thị lớn thì cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các công trình trên mặt đất và công trình được xây dựng dưới mặt đất. Việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sử dụng không gian ngầm để xây dựng các công trình ngầm có nhiều lợi thế nhưng cũng không ít thách thức cần phải được cân nhắc khi lựa chọn. Đa phần ở các quốc gia phát triển trên thế giới đều quan tâm và ưu tiên các công trình xây dựng sử dụng không gian ngầm. Tại các đô thị ở Việt Nam thì việc sử dụng không gian ngầm và xây dựng công trình ngầm đang dần trở thành nhu cầu thực tế, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Căn cứ pháp lý:

Luật Quy hoạch đô thị 2009;

Nghị định 39/2010/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Theo khoản 19 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị 2009 thì không gian ngầm là không gian dưới mặt đất được quy hoạch để sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị.

Công trình ngầm đô thị được giải thích tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 39/2010/NĐ-CP như sau:

“Công trình ngầm đô thị là những công trình được xây dựng dưới mặt đất tại đô thị bao gồm: công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối kỹ thuật ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy nen kỹ thuật.”

2. Nguyên tắc quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị

Nguyên tắc quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị theo Điều 3 Nghị định 39/2010/NĐ-CPnhư sau:

– Chính phủ thống nhất quản lý trên cơ sở giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị trên địa bàn mình quản lý.

– Không gian xây dựng ngầm đô thị phải được quy hoạch, xây dựng, quản lý và sử dụng. Quy hoạch, phát triển không gian đô thị trên mặt đất phải kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng an toàn và hiệu quả không gian ngầm.

– Việc sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm phải bảo đảm sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

– Chủ đầu tư các khu đô thị mới, khu nhà ở mới và các tuyến đường phố mới xây dựng hoặc cải tạo, mở rộng có trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để bố trí, lắp đặt các đường dây và đường ống kỹ thuật theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Đối với các đô thị cũ, đô thị cải tạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có kế hoạch đầu tư xây dựng cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để từng bước hạ ngầm đường dây, cáp nổi.

– Việc xây dựng công trình ngầm đô thị phải tuân thủ các quy định sau:

+ Quy hoạch đô thị, quy chuẩn về xây dựng ngầm, giấy phép xây dựng;

+ Không được xây dựng vượt quá chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất được xác định theo quyết định giao đất, thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Khi có nhu cầu xây dựng vượt quá chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất đã được xác định (trừ phần đấu nối kỹ thuật của hệ thống đường dây, đường ống ngầm) thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

+ Bảo đảm an toàn cho cộng đồng, cho bản thân công trình và các công trình lân cận; không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng, khai thác, vận hành của các công trình lân cận cũng như các công trình đã có hoặc đã xác định trong quy hoạch đô thị.

3. Quy định về sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm đô thị

Quy định về sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm đô thị theo Điều 5 Nghị định 39/2010/NĐ-CP như sau:

– Việc sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm đô thị phải phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc cho tổ chức trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm đô thị theo quy định.

– Việc sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm đô thị (không bao gồm phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất) thực hiện theo quy định sau:

+ Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài được nhà nước cho thuê đất phải trả tiền thuê đất đối với trường hợp xây dựng công trình ngầm đô thị nhằm mục đích kinh doanh;

+ Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài được nhà nước cho thuê đất được xem xét miễn hoặc giảm tiền thuê đất đối với trường hợp xây dựng công trình ngầm đô thị không nhằm mục đích kinh doanh.

– Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm đô thị, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!