Khi nào ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính? Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính là bao lâu? Có được kéo dài thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không? Bài viết dưới đây Mys Law sẽ giải đáp chi tiết.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020
- Nghị định 142/2021/NĐ-CP
1. Các trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo Điều 16 Nghị định 142/2021/NĐ-CP thì chỉ được áp dụng trong các trường hợp như sau:
– Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.
– Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
– Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
– Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
– Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
2. Thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Theo Điều 17 Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định những người có thẩm quyền quyết định việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) như sau:
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an phường;
- Trưởng Công an cấp huyện;
- Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh của Công an cấp tỉnh; Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường;
- Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, Trạm trưởng Trạm công an cửa khẩu;
- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động;
- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục hải quan;
- Đội trưởng Đội quản lý thị trường;
- Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng, Trưởng đồn biên phòng và Thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo;
- Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển;
- Người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga;
- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
Người có thẩm quyền tạm giữ người có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kỳ cá nhân nào khác.
3. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Theo Điều 18 Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định về thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính như sau:
– Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020):
+ Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm;
+ Trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ.
+ Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
+ Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng.
– Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải được ghi cụ thể trong quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
– Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với trường hợp bị tạm giữ ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected]
Trân trọng!