Gian lận trong thi cử từ lâu đã là vấn đề gây nhức nhối và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hành vi này không những gây hậu quả nặng nề ở thời điểm hiện tại mà còn đe dọa cả một thế hệ, một nền giáo dục về lâu về dài. Vậy để ngăn chặn, kiểm soát vấn đề này pháp luật Việt Nam đã có những quy định gì? Cùng Mys Law tìm hiểu chi tiết vấn đề” QUY ĐỊNH XỬ LÝ CỦA PHÁP LUẬT VỀ GIAN LẬNTRONG THI CỬ” thông qua bài viết dưới đây:

Bài viết sẽ bao gồm: 

  • Quy định của pháp luật về nghiêm cấm hành vi gian lận trong thi cử
  • Mức xử phạt hành chính đối với hành vi gian lận 
  • Mức xử phạt hình sự đối với hành vi gian lận 
  • (Ảnh minh họa: QUY ĐỊNH XỬ LÝ CỦA PHÁP LUẬT VỀ GIAN LẬNTRONG THI CỬ )

Căn cứ pháp lí:

  •  Luật Giáo dục 2019
  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 

Quy định của pháp luật về nghiêm cấm hành vi gian lận trong thi cử.

Căn cứ tại Điều 22 Luật Giáo dục 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ  sở giáo dục như sau: 

  • Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của sở giáo dục và người học .
  • Xuyên tạc nội dung giáo dục.
  • Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.  
  • Hút thuốc, uống rượu bia, gây rối loạn an ninh, trật tự.
  • Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
  • Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật

Như vậy, căn cứ vào nội dung Điều 22 của Luật Giáo gục 2019, hành vi gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. 

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi gian lận

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quy định về thi sẽ bị xử lý như sau:

Điều 14. Vi phạm quy định về thi

1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi.

2. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi.

3. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về thi theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi;

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;

c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

e) Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm.

4. Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi làm mất bài thi của thí sinh.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

c) Buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d, đ khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Như vậy, các hành vi về gian lận  sẽ bị xử phạt hành chính với các mức phạt tiền khác nhau từ mức 6.000.000 VNĐ và đến 15.000.000 VNĐ. Mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại khoản 1 và các điểm a, b, c, d, e khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.Ngoài ra, còn sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đối với một số hành vi như quy định. 

Mức xử phạt hình sự đối với hành vi gian lận 

Đối với hành vi gian lận điểm thi thì sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý hình sự theo một trong các tội danh như sau:

Thứ nhất: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:

– Căn cứ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm s khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:

+ Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi:

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

– Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như sau:

     + Có tổ chức;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

– Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

+ Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

– Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Như vậy, hành vi gian lận điểm thi thì có thể chịu trách nhiệm hình sự về việc lợi dụng chức vụ quyền hạn gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo đó có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng. Nếu thuộc trong các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 356 thì sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm s khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ như sau:

– Bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm về hành vi:

+ Vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

– Bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm về các hành vi:

+ Có tổ chức;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

– Bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

+ Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

– Bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

        + Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trên đây là bài viết liên quan đến quy định xử lý của pháp luật về gian lận trong thi cử. Nếu có vấn đề thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết,  quý độc giả vui lòng liên hệ thông qua số điện thoại 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!