Quyền được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập là quyền cơ bản của đương sự. Biết được tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập sẽ giúp cho đương sự có thể chuẩn bị tốt nhất phương án giải quyết vụ án của mình. Ngoài ra việc sao chụp tài liệu chứng cứ giúp chúng ta đánh giá chứng cứ sớm để bào chữa, tranh luận tốt nhất nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
– Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP.
Quyền được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập của đương sự được quy định tại Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cụ thể là:
“Điều 70. Quyền, nghĩa vụ của đương sự
Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền, nghĩa vụ sau đây: Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.” |
Và theo Điều 17 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP quy định:
Điều 17. Về quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 58 của BLTTDS
1. Đương sự chỉ được yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án trước khi Tòa án mở phiên toà xét xử vụ án. Khi có yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ, thì họ phải làm đơn gửi Tòa án có thẩm quyền. Nếu họ trực tiếp đến Tòa án trình bày yêu cầu được ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ, thì họ cũng phải thể hiện bằng văn bản nộp cho Tòa án. Nếu đương sự là người không biết chữ, thì Tòa án lập biên bản ghi rõ yêu cầu của họ. Biên bản phải được đọc lại cho người có yêu cầu nghe, ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Đơn hoặc văn bản yêu cầu phải ghi cụ thể các tên tài liệu, chứng cứ mà mình cần ghi chép, sao chụp. 2. Trên cơ sở đề nghị của đương sự, Tòa án tạo điều kiện cho họ được ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ mà họ có yêu cầu. Tuy nhiên, theo quy định về chế độ bảo quản hồ sơ vụ án, về trách nhiệm của cán bộ, công chức của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo quản hồ sơ vụ án, thì Tòa án yêu cầu đương sự thực hiện quyền ghi chép, sao chụp các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án như sau: a) Tòa án cung cấp cho đương sự những tài liệu, chứng cứ cần ghi chép, sao chụp theo yêu cầu của họ, để họ thực hiện việc ghi chép, sao chụp bằng máy ảnh hoặc phương tiện kỹ thuật khác của họ. Các tài liệu chứng cứ đó phải liên quan đến vụ án, không liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư. Nếu không cung cấp tài liệu nào theo đề nghị của đương sự thì cần nêu rõ lý do. b) Trong trường hợp đương sự không có máy ảnh hoặc phương tiện kỹ thuật khác để tự mình thực hiện việc sao chụp và nhờ Tòa án sao chụp giúp, thì tuỳ theo các điều kiện cụ thể, lực lượng cán bộ của Tòa án mà có thể sao chụp giúp được thì đương sự phải trả chi phí sao chụp theo quy định chung. Việc sao chụp có thể được thực hiện ngay hoặc có thể trong một thời hạn hợp lý do Tòa án ấn định. c) Việc ghi chép, sao chụp phải được thực hiện tại trụ sở của Tòa án dưới sự giám sát của cán bộ Tòa án và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư. |
Theo các căn cứ pháp luật nêu trên, yêu cầu sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thực hiện trước khi Toà mở phiên Toà xét xử. Mục đích của yêu cầu này là để đương sự nghiên cứu kĩ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ để tranh luận, bào chữa tốt nhất nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình hữu hiệu nhất. Như vậy, trước phiên toà sơ thẩm đương sự có quyền xin sao chụp tài liệu và sau phiên toà sơ thẩm nếu có kháng cáo, tức trước phiên toà phúc thẩm thì đương sự vẫn còn quyền xin sao chụp tài liệu được.
Sau khi có Bản án phúc thẩm, vụ án được xem như đã kết thúc vì án có hiệu lực thi hành, nếu đương sự có phần nào chưa rõ trong nội dung bản án thì có quyền gửi đơn đề nghị Toà Án đã xét xử giải thích. Tức là, đương sự không còn quyền yêu cầu Toà án cho sao chụp tài liệu, chứng cứ. Nếu có cơ sở chứng minh Toà phúc thẩm đã xét xử trái pháp luật (như sử dụng chứng cứ giả mạo) thì đương sự có quyền khiếu nại đến Chánh án TAND Tối cao và Viện Trưởng VKS tối cao xin kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm để xem xét lại Bản án phúc thẩm này. Tuy nhiên, thời hiệu để đương sự có quyền khiếu nại xin Giám đốc thẩm là 3 năm tính từ ngày có Bản án phúc thẩm và được kéo dài thêm 02 năm nếu đủ điều kiện theo quy định tại Điều 334 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!