(Ảnh minh họa: Thời hạn kháng nghị, kháng cáo)

Căn cứ pháp lí:

  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Kháng cáo là gì? Kháng nghị là gì? 

1. Kháng cáo

Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án là hành vi tố tụng đơn phương sau khi xử sơ thẩm, nếu đương sự hoặc chủ sở hữu theo quy định của pháp luật không đồng ý với quyết định của Tòa thì họ có quyền yêu cầu Tòa án xét xử lại một lần nữa theo thủ tục phúc thẩm.

2. Kháng nghị

Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án là hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng có thẩm quyền yêu cầu Tòa án xét xử lại, thể hiện sự phản đối toàn bộ hoặc một phần bản án, quyết định của Tòa án để đảm bảo cho quá trình xét xử được chính xác, công bằng. 

Khi nào cần kháng cáo, khi nào cần kháng nghị ? 

  • Khi đương sự hoặc chủ sở hữu theo quy định của pháp luật không đồng ý với một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật thì sẽ kháng cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 
  • Kháng nghị được đưa ra đối với những bản án hoặc quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực hoặc đã có hiệu lực nhưng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử phát hiện thấy có sai lầm hoặc vi phạm quy định của pháp luật; hoặc phát hiện có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản hay một phần quan trọng trong nội dung bản án, quyết định của Tòa án.  

Người có quyền tham gia kháng cáo, kháng nghị 

Kháng cáo

Chủ thể có quyền kháng cáo được quy định Điều 271 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, và trong Điều 331(1) Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: 

  • Điều 271 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: 

Người có quyền kháng cáo bao gồm đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. 

  • Tại khoản 1 Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: 

– Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

– Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

– Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

– Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

Kháng nghị

         Theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 336 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chủ thể có quyền kháng nghị bao gồm:

 – Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện kiểm sát cùng cấp.

– Đối với Giám đốc thẩm: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương; Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

–  Đối với Tái thẩm: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

Thời hạn của kháng cáo, kháng nghị  

Kháng cáo

  • Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
  • Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
  • Trường hợp quá hạn thì phải do Hội đồng 3 thẩm phán xem xét

Kháng nghị

  • Đối với bản án sơ thẩm: Thời hạn kháng nghị kể từ ngày tuyên án đối với Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày và 30 ngày đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. 
  • Đối với kháng nghị quyết định sơ thẩm: Kể từ ngày Tòa án ra quyết định đối với Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày và 25 ngày đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.
  • Đối với Giám đốc thẩm: 
  • Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. 
  • Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ. 
  • Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. 
  •  Đối với Tái thẩm: 
  • Theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự ( Được quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự) và thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện. 
  • Theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
  • Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. 

Trên đây là bài viết liên quan đến thời hạn kháng nghị, kháng cáo. Nếu gặp phải khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hoặc cần hỗ trợ pháp lý về hồ sơ liên quan, hãy gọi cho chúng tôi để giải đáp những thắc mắc của quý khách thông qua số điện thoại 0969.361.319 hoặc email: [email protected] 

Trân trọng!