Làm thế nào để đầu tư ra nước ngoài?
Thủ tục đầu tư ra nước ngoài?
Quy trình đầu tư ra nước ngoài?
Sau hơn 30 năm hội nhập và phát triển, Việt Nam không chỉ thu hút được sự đầu tư từ nước ngoài mà còn là một trong những quốc gia có nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2019, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đã có 148 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 353,8 triệu USD; có 29 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 105 triệu USD. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Nhà nước ta khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Để có thể thực hiện việc đầu tư ra nước ngoài một cách nhanh chóng và thuận lợi, thì các doanh nghiệp cần hiểu rõ quy trình, thủ tục. Để hỗ trợ cho quý doanh nghiệp và các bạn đang có nhu cầu đầu tư ra ngước ngoài. Mys Law tôi xin chỉ rõ về quy trình và thủ tục đầu tư ra nước ngoài như sau:
Đầu tư ra nước ngoài là gì?
Đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn; hoặc thanh toán mua một phần hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh; hoặc xác lập quyền sở hữu để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam; đồng thời trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư đó.
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài như thế nào?
Trước khi các anh/chị muốn đầu tư ra nước ngoài phải tìm hiểu kỹ về ngành nghề đầu tư, nguyên tắc đầu tư, vốn đầu tư,…để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Dưới đây là những điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, bao gồm:
- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc đầu tư ra nước ngoài.
- Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
- Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc được tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài; trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên và không thuộc dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Có quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định.
- Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư.
Những hình thức để đầu tư ra nước ngoài là gì?
Anh/chị và quý doanh nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức dưới đây:
- Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
- Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài;
- Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài;
- Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Căn cứ vào các hình thức trên, anh chị hãy lựa chọn cho mình một hình thức phù hợp nhất với công ty của mình.
Những dự án nào được đầu tư ra nước ngoài theo quy định
Căn cứ vào khả năng của doanh nghiệp, tỷ lệ vốn góp thì pháp luật hiện hành chia dự án thành các diện sau đây:
- Dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương, có vốn đầu tư ra nước ngoài dưới 20 tỷ đồng.
- Dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương, có vốn đầu tư ra nước ngoài trên 20 tỷ đồng (Xin ý kiến của Ngân hàng nhà nước Việt Nam).
- Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương của Thủ tướng chính phủ:
- Dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;
- Dự án đầu tư không thuộc ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên).
- Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương của Quốc Hội:
- Dự án có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên;
- Dự án yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Và căn cứ vào những phân loại trên sẽ có những thủ tục khác nhau khi xin giấy phép. Quý doanh nghiệp lưu ý lựa chọn và tìm hiểu những quy định liên quan đến những lĩnh vực mà mình đầu tư nhé.
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài bao gồm những giấy tờ gì?
Nói đến thủ tục, giấy tờ thì nghe có vẻ “Hành là chính” đúng không các bạn. Nhưng hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài chỉ bao gồm:
- Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức (Hoặc giấy tờ tương đương như: Giấy phép đầu tư; hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hoặc quyết định thành lập.)
- Đề xuất dự án đầu tư;
- Bản sao một trong các tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư;
- Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 57 của Luật Đầu tư 2014
- Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học và công nghệ, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán, Luật khoa học và công nghệ, Luật kinh doanh bảo hiểm.
- Cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trình tự thực hiện và thời hạn xin Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài bao gồm các bước nào?
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý.
- Đối với dự án cần Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với dự án cần Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư: Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước (trong 05 ngày). Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định (trong vòng 90 ngày) và Chính phủ gửi Hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội (trước khai mạc kỳ họp Quốc hội 60 ngày).
Chúng tôi rất hy vọng rằng những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho quý anh/chị và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về đầu tư ra nước ngoài, cũng như các thủ tục trong việc xin Giấy phép đầu tư ra nước ngoài. Nếu anh/chị còn vướng mắc gì trong quá trình trên, hay gặp khó khăn gì trong quá trình đầu tư thì hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ: 0969.361.319 hoặc email: [email protected]