Tạm ứng lương là việc người lao động nhận một phần hoặc toàn bộ tiền lương trước thời hạn phải thanh toán. Điều này ảnh hưởng đến việc lưu động vốn và dòng tiền của người sử dụng lao động. Vì vậy, tạm ứng lương chỉ xảy ra ở một số trường hợp bắt buộc hoặc phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Tiền lương tạm ứng của người lao động có bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định hay không? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Lao động 2019;

– Nghị định 65/2013/NĐ-CP;

– Thông tư 111/2013/TT-BTC.

1. Tiền lương tạm ứng của người lao động có bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định hay không?

Khấu trừ thuế được giải thích tại Điều 28 Nghị định 65/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 28. Khấu trừ thuế

1. Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập.

Dẫn chiếu đến Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân như sau:

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

b.1) Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

b.2) Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.

b.3) Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.

b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.

b.5) Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.

b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

b.7) Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.

b.8) Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao.

Theo đó, thu nhập từ tiền lương, tiền công là một trong những khoản phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Cũng theo quy định này có giải thích thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động gồm tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

Như vậy, bản chất tạm ứng lương là việc người lao động nhận một phần hoặc toàn bộ tiền lương trước thời hạn phải thanh toán.

Chính vì vậy, tiền lương tạm ứng của người lao động sẽ bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, hay nói cách khác, trước khi người lao động nhận được tiền lương tạm ứng thì khoản tiền này đã bị khấu trừ để tính thuế thu nhập cá nhân (nếu có).

2. Người lao động bị tạm đình chỉ công việc có được tạm ứng tiền lương không?

Theo Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tạm đình chỉ công việc như sau:

Điều 126. Tạm đình chỉ công việc

1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Theo đó, trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Ngoài ra quy định này cũng nêu trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

3. Lương tạm ứng của người lao động có chịu tiền lãi không?

Tại Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Điều 101. Tạm ứng tiền lương

1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

Theo đó, người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và lương tạm ứng sẽ không bị tính lãi.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!