Tiền phạt thuế được xóa trong trường hợp nào? Bao nhiêu năm thì được xóa? Thủ tục để xóa như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Mys Law để có câu trả lời.

Căn cứ theo Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt như sau:

Trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

2. Cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.

3. Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125 của Luật này và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.

Người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt quy định tại khoản này trước khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa.

Như vậy, theo quy định trên thì tiền phạt thuế sẽ được xóa sau thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.

Tuy nhiên, trường hợp người nợ thuế có khoản nợ thuế đã quá 10 năm nhưng cơ quan thuế chưa áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định thì người nợ thuế không thuộc đối tượng được xoá nợ tiền thuế tiền phạt theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ xóa nợ tiền phạt thuế gồm những gì?

Căn cứ theo Điều 86 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt như sau:

Hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt

1. Cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thuộc diện được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt lập và gửi hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đến cơ quan, người có thẩm quyền.

2. Hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt bao gồm:

a) Văn bản đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thuộc diện được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt;

b) Quyết định tuyên bố phá sản đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản;

c) Các tài liệu liên quan đến việc đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.

 

Theo đó, hồ sơ xóa nợ tiền phạt thuế gồm những giấy tờ sau đây:

– Văn bản đề nghị xóa nợ tiền phạt thuế của cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thuộc diện được xóa nợ tiền phạt thuế;

– Quyết định tuyên bố phá sản đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản;

– Các tài liệu liên quan đến việc đề nghị xóa nợ tiền phạt thuế.

Thẩm quyền xóa nợ tiền phạt thuế được quy định như thế nào?

Theo Điều 87 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về thẩm quyền xóa nợ tiền phạt thuế được quy định như sau:

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp sau đây:

+ Trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019;

+ Hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019;

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp tại khoản 3 Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019 có khoản nợ tiền phạt thuế dưới 5.000.000.000 đồng.

– Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp tại khoản 3 Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019 có khoản nợ tiền phạt thuế từ 5.000.000.000 đến dưới 10.000.000.000 đồng.

– Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp theo khoản 3 Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019 có khoản nợ tiền phạt thuế từ 10.000.000.000 đến dưới 15.000.000.000 đồng.

– Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp theo khoản 3 Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019 có khoản nợ tiền phạt thuế từ 15.000.000.000 đồng trở lên.

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo tình hình kết quả xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho Hội đồng nhân dân cùng cấp vào kỳ họp đầu năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp tình hình xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt để Chính phủ báo cáo Quốc hội khi quyết toán ngân sách nhà nước.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!