Chi phí đo đạc địa chính là khoản tiền mà người dân phải bỏ ra khi đo đạc để cấp Sổ đỏ hay theo yêu cầu cần đo đạc trong giải quyết tranh chấp đất. Vậy, chi phí đo đạc địa chính năm 2023 được quy định thế nào? Cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây của Mys Law.
Chi phí đo đạc địa chính là gì?
Luật Đất đai 2013 không có quy định cụ thể giải thích thế nào là chi phí đo đạc địa chính. Tuy nhiên có thể hiểu chi phí đo đạc địa chính (phí đo đạc đất đai) là khoản tiền mà cá nhân, tổ chức… phải trả cho đơn vị thực hiện đo đạc địa chính khi họ tiến hành đo đạc lại đất đai và xác định lại ranh giới giữa các thửa đất liền kề.
Mỗi địa phương sẽ quy định về bảng giá dịch vụ đo đạc khác nhau, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội tại địa phương mà quy định mức thu phí, lệ phí phù hợp. Khi quy định về phí đo đạc địa chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cần đảm bảo mức phí đo đạc phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương mình.
Chi phí đo đạc địa chính được tính thế nào?
Phí đo đạc địa chính được xây dựng trên cơ sở:
Tiền lương tối thiểu vùng x Hệ số điều chỉnh nhân công/máy x Số ngày thực hiện theo định mức
Như đã trình bày ở phần trên, chi phí đo đạc địa chính sẽ do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành do đó mỗi địa phương sẽ quy định mức phí khác nhau.
Ví dụ tại Hà Nội, theo Quyết định 1358/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về Bộ đơn giá sản phẩm đo đạc đất đai Hà Nội quy định như sau:
* Việc áp dụng đơn giá sản phẩm đối với các nhiệm vụ, dự án… sử dụng ngân sách nhà nước phải căn cứ loại hình đơn vị thực hiện để áp dụng cho phù hợp. Cụ thể:
– Doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi đầu tư và chi thường xuyên: Được áp dụng cột đơn giá sản phẩm đầy đủ các cấu thành đơn giá.
– Đơn vị sự nghiệp công (trừ đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi đầu tư và chi thường xuyên) khi cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thì lộ trình tính giá như sau:
Năm 2020 trở đi: Được áp dụng cột đơn giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công được ngân sách nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên hoặc do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên khi cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đo đạc; đăng ký, kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất… thì phải trừ phần kinh phí đã được Ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Đối với chi phí nhân công, chi phí khấu hao nếu không phân tách được chi tiết thời gian, cơ cấu để thực hiện giữa các nhiệm vụ thì tính trừ chi phí nhân công (hoặc chi phí khấu hao) được xác định theo phương pháp phân bổ, tỷ trọng như sau:
Tỷ trọng ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí nhân công (hoặc khấu hao) cho đơn vị T (%) = Số tiền lương và các khoản đóng góp theo lương (hoặc khấu hao) ngân sách nhà nước hỗ trợ / Tổng quỹ tiền lương của biên chế được giao (hoặc tổng giá trị khấu hao trong năm của đơn vị).
* Với đơn vị công lập tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên: Được áp dụng cột đơn giá sản phẩm đầy đủ các cấu thành đơn giá.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!