Không thể phủ nhận rằng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã đem lại nhiều tác động tích cực. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các tội phạm công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội đe dọa đến sự phát triển của kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị. Thông qua bài viết dưới đây Mys Law sẽ cung cấp kiến thức Tội phạm công nghệ cao là gì? Mức phạt Tội phạm công nghệ thế nào?

TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CAO

Căn cứ pháp lí:

– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017

– Nghị định 25/2014/NĐ-CP

Tội phạm công nghệ cao là gì?

Theo Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến các quyền:

– Xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc;

– Xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức;

– Xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;

– Xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định phải bị xử lý hình sự.

Trong đó, Tội phạm công nghệ cao là tội phạm xuất hiện và phát triển cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin. Các hành vi phạm tội của tội phạm công nghệ cao vô cùng tinh vi và khó lường trước.

Hiện, Bộ luật Hình sự chưa có quy định cụ thể về Tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP quy định Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội và được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao. Theo đó, các đối tượng là tội phạm công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội thông qua mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các thiết bị số.

Như vậy, có thể hiểu tội phạm công nghệ cao là tội phạm thực hiện các hành vi để tác động trái phép đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính. Các đối tượng phạm tội này thường là những người có kiến thức về công nghệ thông tin, có kỹ năng và các công cụ nhằm phục vụ hành vi phạm tội.

Phân loại tội phạm công nghệ cao thế nào?

Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông hiện nay được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 từ Điều 285 đến Điều 294 và có thể chia thành 02 nhóm:

– Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông gây tổn hại tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính (từ Điều 285 – Điều 289) như:

+ Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật;

+ Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;

+ Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử…

– Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội (từ Điều 290 – Điều 294) như:

+ Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;

+ Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;

+ Tội cố ý gây nhiễu có hại…

Trên thực tế, tội phạm công nghệ cao sẽ sử dụng các thủ đoạn sau để thực hiện hành vi phạm tội:

phát tán tin rác và quảng cáo để lấy cắp thông tin, tấn công website của các ngân hàng, chính phủ, …

– Sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân để hoạt động phạm pháp như: Xâm phạm an ninh quốc gia, thành lập băng nhóm tội phạm, phát tán virus….

– Khai thác lỗ hổng bảo mật để tấn công, lấy cắp thông tin, thay đổi, phá hoại thông tin, lấy cắp dữ liệu và thông tin thẻ tín dụng.

– Lấy cắp thông tin dữ liệu cá nhân (ảnh, danh bạ, …) từ điện thoại thông minh của người khác để sử dụng cho mục đích phạm tội.

– Sử dụng thông tin thẻ ATM để thanh toán dịch vụ, mua hàng hóa, rút tiền ngân hàng; mua bán thông tin thẻ ATM để hưởng lợi bất chính.

– Tấn công email cá nhân, doanh nghiệp lấy thông tin để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

– Tấn công vào các website để lấy cắp thông tin…

Mức xử phạt một số tội phạm công nghệ cao phổ biến

Mỗi tội phạm công nghệ cao sẽ có dấu hiệu cấu thành tội phạm cũng như mức xử phạt khác nhau. Dưới đây là một số tội phạm công nghệ cao phổ biến và mức xử phạt:

– Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật Hình sự)

Theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây có thể bị xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản:

+ Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

+ Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

+ Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

+ Lừa đảo trong thương mại, thanh toán điện tử, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

+ Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, mức phạt thấp nhất áp dụng với tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm. Mức phạt cao nhất là từ 12 – 20 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 – 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

– Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289 Bộ luật Hình sự).

Theo Điều 289 Bộ luật Hình sự, người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa hoặc bằng phương thức khác để thực hiện một trong các hành vi dưới đây có thể bị xử lý về Tội xâm nhập trái phép mạng máy tính:

+ Sử dụng quyền quản trị của người khác;

+ Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển;

+ Can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử;

+ Lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ.

Khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 50 – 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm, khung hình phạt cao nhất là 07 – 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội cũng có thể bị phạt tiền từ 05 – 50 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.

Trên đây là nội dung mà Mys Law cung cấp, mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi thông qua số 0969.361.319 hoặc email: [email protected] 

Trân trọng!