Tham ô tài sản là tội phạm phổ biến nhất trong các tội phạm tham nhũng. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi tham ô tài sản có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lí kỷ luật, hoặc bị truy cứ trách nhiệm hình sự theo quy định của phát luật Việt Nam. Đối với trường hợp cụ thể gần đây là  vụ việc hai cán bộ của Đại học bách khoa Đà Nẵng đã câu kết, lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt số tiền 86 tỷ đồng sẽ bị xử lý ra sao? Trường hợp này sẽ phải đối mặt với hình phạt như thế nào? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu trong bài viết này. 

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 
  •  Nghị định 192/2013/NĐ-CP

1. Trách nhiệm hình sự 

Căn cứ theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định như sau: 

“ Điều 353. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”

2. Xử phạt hành chính:

Căn cứ  Điều 11 Nghị định 192/2013/NĐ-CP quy định:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chiếm đoạt tài sản nhà nước mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra để trả lại tổ chức; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có công năng sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;

b) Buộc phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với tiền thuê tài sản trong thời gian chiếm đoạt.”

3. Trách nhiệm hình sự vụ hai cán bộ tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng

Tối 9/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng tốngq đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Quang Huy (SN 1989, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, là trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng) và Lâm Thị Hồng Tâm (SN 1973, trú phường Hòa Khuê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, là Thủ quỹ trường Đại học Bách khoa) về tội “Tham ô tài sản” theo Điều 353 Bộ luật hình sự.

Dưới góc độ pháp lý, căn cứ theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, hai cán bộ tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý và sẽ bị xử phạt theo các mức hình phạt quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, với giá trị số tiền tham ô lên đến 86 tỷ đồng, nếu bị chứng minh có tội 2 cán bộ của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội tham ô tài sản là tử hình .

Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!