Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng là hành vi vi phạm vào chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được pháp luật quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc vi phạm đó được biết đến như chồng hoặc vợ ngoại tình hoặc chung sống với người thứ ba như vợ chồng dù chưa ly hôn. Điều này đã vi phạm đến chế độ một vợ một chồng được quy định tại điều 182 của Bộ luật Hình sự hiện hành. Sau đây, Mys Law xin cung cấp đến Quý bạn đọc qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lí:

  • Bộ luật Hình sự năm 2015
  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

1. Thế nào là chung sống như vợ chồng?

Khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã định nghĩa:

7. Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.

Việc nam nữ tổ chức sống chung với nhau, coi nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn được coi là chung sống như vợ chồng. Việc chung sống này được chứng minh bằng việc họ có đời sống sinh hoạt chung, có tài sản chung, có con chung với nhau và được mọi người xung quanh thừa nhận là vợ chồng.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn áp dụng, các thuật ngữ “kết hôn” “người đang có vợ hoặc chồng” hoặc “người chưa có vợ hoặc chồng” được hiểu như sau:

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Đang có vợ hoặc có chồng được hiểu là người đã kết hôn (có đăng ký kết hôn hoặc hôn nhân thực tế được pháp luật công nhận) và chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng một quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án (về công nhận thuận tình ly hôn, xử cho ly hôn hay tiêu hôn vì vi phạm điều kiện kết hôn do luật định) hoặc một bên chết, mất tích đã bị Toà án tuyên bố mất tích…

2. Vi phạm chế độ một vợ, một chồng là gì?

Vi phạm chế độ một vợ, một chồng được hiểu là trường hợp nam, nữ đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc tuy chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.

3. Các yếu tố cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

3.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có các dấu hiệu sau đây:

a) Về hành vi. Có một trong các hành vi sau:

– Có hành vi kết hôn trái phép với người khác trong khi người phạm tội đang có vợ hoặc có chồng một cách hợp pháp hoặc được xác định là hôn nhân thực tế và quan hệ hôn nhân đó còn đang tồn tại hoặc tuy chưa có vợ, có chồng mà kết hôn trái pháp luật với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ hợp pháp.

Việc kết hôn trái pháp luật thể hiện qua việc dùng thủ đoạn khai báo gian dối là chưa có vợ hoặc chưa có chồng, hoặc mua chuộc cán bộ có thẩm quyền để tiến hành việc kết hôn nhằm xác lập quan hệ hôn nhân mới giữa nam, nữ trong khi chính họ đang có vợ hoặc chồng.

– Có hành vi chung sống như vợ chồng với người khác. Nếu không thuộc trường hợp kết hôn nêu ở trên thì hành vi chung sống như vợ chồng với người khác cũng cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Hành vi trên được thể hiện ở chỗ đôi nam, nữ mà một hoặc cả hai bên đang có vợ hoặc chồng nhưng lại chung sống với nhau không đăng ký kết hôn và coi nhau như vợ chồng một cách công khai (như ở chung một nhà, công khai mối quan hệ vợ chồng với hàng xóm, cha mẹ, bạn bè, có tài sản chung, con chung). Tuy nhiên thực tế về việc xác định dấu hiệu này không dễ dàng vì phần đông việc chung sống ở dạng này thường diễn ra một cách lén lút, bí mật, trừ một số trường hợp khá đặc biệt có sự đồng ý của vợ hoặc chồng cho lấy thêm vợ hoặc chồng khác.

Lưu ý:

– Hôn nhân thực tế, được hiểu là trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký trước chính quyền, không vi phạm điều cấm của Luật hôn nhân và gia đình và quan hệ này phải xác lập trước khi Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực.

– Trường hợp người có chồng, có vợ hợp pháp nhưng đang ly thân mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng thì vẫn bị coi là phạm vào tội này.

– Nếu hậu quả nghiêm trọng xảy ra mà cấu thành một tội phạm khác thì người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội độc lập đó.

Chỉ khi người chưa có vợ, có chồng biết được người mình chung sống là người đang có vợ, có chồng thì mới được xem là hành vi khách quan của tội phạm này.

Ví dụ: A đi công tác xa đã chung sống với chị B như vợ chồng, nên đã tìm cách giết vợ để được chung sống với B một cách trọn vẹn. Hành vi của A bị truy cứu trách nhiệm về hai tội vì phạm chế độ một vợ một chồng và tội giết người.

b) Dấu hiệu khác: hành vi nói trên phải làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

3.2. Khách thể

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, một trong những nguyên tắc cơ bản quy định Luật hôn nhân và gia đình.

3.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý trực tiếp.

3.4. Chủ thể

Chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, phải đủ tuổi kết hôn (nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên) và phải là đang có vợ hoặc có chồng hợp pháp, hoặc là người chưa có vợ, chưa có chồng nhưng biết rõ người khác đang có chồng có vợ, mà vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ, chồng với người đó.

Đối với người còn lại mà chưa có vợ hoặc chưa có chồng khi biết rõ bên kia đã có vợ hoặc có chồng mà vẫn đồng ý kết hôn với họ thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này với vai trò đồng phạm.

Thực tế có trường hợp đồng tính luyến ái chung sống với nhau như vợ chồng theo chúng tôi thì không thể coi là hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng.

4. Hậu quả của hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng

  • Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
  • Gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe cho cá nhân cho những người trong và ngoài cuộc như: vợ, chồng, nam nữ sống chung, các con;
  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thiệt hại: Hậu quả thiệt hại phải do nguyên nhân từ các hành vi vi phạm quy định về hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, không phải do các nguyên nhân khác. Nếu hành vi vi phạm không gây hậu quả, hậu quả không do hành vi vi phạm gây ra thì không cấu thành tội phạm vi phạm các quy định về vi phạm chế độ một vợ một chồng.

5. Mức phạt về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng” như sau:

Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!