Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, là hình thức thu nhỏ của xã hội nên bạo lực gia đình có thể coi như là hình thức thu nhỏ của bạo lực xã hội với rất nhiều dạng thức khác nhau. Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

1. Trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình:

Theo Điều 10 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình như sau:

– Người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm sau đây:

+ Chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;

+ Chấp hành yêu cầu, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

+ Kịp thời đưa người bị bạo lực gia đình đi cấp cứu, điều trị. Chăm sóc người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình từ chối;

+ Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và tổ chức, cá nhân khác.

– Người có hành vi bạo lực gia đình là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình thì không được thực hiện quyền của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 đối với vụ việc bạo lực gia đình do mình thực hiện.

2. Quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình:

Quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình theo Điều 9 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 như sau:

– Người bị bạo lực gia đình có các quyền sau đây:

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình;

+ Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022;

+ Được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý và trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;

+ Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tài sản;

+ Được thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, xử lý hành vi bạo lực gia đình;

+ Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

+ Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.

– Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến hành vi bạo lực gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình:

Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình theo Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 như sau:

– Hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.

– Kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

– Sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.

– Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

– Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình.

– Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật.

– Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!