Việt kiều là gì?
Việt kiều là thuật ngữ dùng để chỉ người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tại Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
…
Như vậy, có thể hiểu Việt kiều là những công dân Việt Nam đang cư trú và sinh sống ở ngoài lãnh thổ nước Việt Nam.
Họ có thể vẫn đang còn quốc tịch Việt Nam và/hoặc đang có quốc tịch của quốc gia họ đang sinh sống.
Việt kiều về nước thăm người thân có phải đăng ký tạm trú không?
Tại Điều 27 Luật Cư trú 2020 có quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:
Điều kiện đăng ký tạm trú
- Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
- Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần
- Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.
Bên cạnh đó, tại Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2023) quy định như sau:
Khai báo tạm trú
- Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú.
- Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú.
Trường hợp khai báo qua phiếu khai báo tạm trú, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
- Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú hoặc khi có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, đối với vấn đề “Việt kiều về nước thăm người thân có phải đăng ký tạm trú không?” sẽ được chia thành 02 trường hợp:
Trường hợp 1: Việt kiều về bằng Hộ chiếu Việt Nam
Trong trường hợp về nước để thăm người thân từ 30 ngày trở lên thì Việt Kiều phải đăng ký tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020.
Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú đối với đối tượng Việt kiều sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật Cư trú 2020.
Trường hợp 2: Việt kiều về bằng Hộ chiếu nước ngoài
Trong trường hợp Việt kiều về Việt Nam bằng Hộ chiếu nước ngoài thì phải thực hiện thủ tục khai báo tạm trú đối với người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam.
Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú.
Tuy nhiên để biết rõ hơn về thủ tục, thì Việt kiều hoặc người thân của người Việt kiểu có thể chủ động liên hệ cơ quan đăng ký cư trú nơi mình về sinh sống, tham quan để được hướng dẫn.
Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú hiện nay được quy định ra sao?
Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú được quy định tại Điều 28 Luật Cư trú 2020 như sau:
(1) Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
(2) Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.
Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(3) Trong thời hạn 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú.
Hồ sơ, thủ tục gia hạn tạm trú thực hiện theo quy định tại (1) và (2). Sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về thời hạn tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!
Người biên tập: Nguyễn Anh Quân