Vợ chồng tôi có mua một mảnh đất từ tiền tiết kiệm, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cả hai vợ chồng tôi. Cuối năm ngoái vợ tôi bị tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự. Tôi hiện sức khỏe tốt, nhận thức bình thường, công việc ổn định, chưa từng vi phạm pháp luật và rất thương vợ. Nhưng giờ kinh tế gia đình gặp khó khăn, tôi bán mảnh đất này có được không? 

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là gì? Mất năng lực hành vi dân sự được quy định như thế nào?

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được hiểu là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015.

Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 về khái niệm mất năng lực hành vi được cụ thể như sau:

– Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

– Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Người mất năng lực hành vi dân sự sẽ được giám hộ theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể như sau:

– Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

– Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.

– Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.

Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện như thế nào?

Theo khoản 2 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Người đại diện theo pháp luật của người mất năng lực hành vi dân sự chính là người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

– Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật này được làm người giám hộ.

– Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

– Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.

Căn cứ vào quy định tại Điều 49 Bộ luật Dân sự 2015 về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ cụ thể như sau:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

– Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

Căn cứ vào quy định tại Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự cụ thế như sau:

– Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

– Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

– Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Căn cứ vào quy định tại Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015 về quản lý tài sản của người được giám hộ cụ thể như sau:

– Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

– Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

– Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

– Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi được quy định tại khoản 1 Điều này.

Từ những quy định cụ thể trên thì vợ bạn là người đã mất năng lực hành vi dân sự thì bạn sẽ là sẽ là người giám hộ đương nhiên của vợ bạn dựa vào quy định tại Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015. Nếu bạn đã đủ điều kiện để được làm người giám hộ cho vợ của bạn theo Điều 49 Bộ luật Dân sự 2015 thì giao dịch dân sự của vợ bạn phải do bạn xác lập, thực hiện và bạn có trách nhiệm quản lý tài sản của vợ bạn.

Người vợ mất năng lực hành vi dân sự thì người chồng có được tự mình bán tài sản không?

Theo như trường hợp của bạn thì, mảnh đất mà hai vợ chồng bạn mua từ tiền tiết kiệm trong thời kỳ hôn nhân được xem là tài sản chung của vợ chồng bạn theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Việc vợ bạn mất năng lực hành vi dân sự và bạn là người giám hộ đương nhiên của vợ bạn thì bạn sẽ có trách nhiệm quản lý tài sản của vợ bạn và được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của vợ vì lợi ích của vợ. Việc bán tài sản có giá trị lớn của vợ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ (theo Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015).

Người giám sát việc giám hộ là người được những người thân thích của vợ bạn cử ra, hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác (theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Dân sự 2015). Người giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của vợ bạn phải đăng ký tại Uỷ ban nhân dân cấp xã (phường/thị trấn) nơi cư trú của vợ bạn.

Trường hợp không có người thân thích của vợ bạn, hoặc những người thân thích không chọn được người giám sát việc giám hộ, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã cử cá nhân hoặc pháp nhân giám sát.

Như vậy, bạn được quyền bán tài sản chung là mảnh đất, nếu việc bán đất là vì lợi ích của vợ bạn. Tuy nhiên đây là tài sản có giá trị lớn nên việc bán tài sản phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ như đã nêu trên, sau khi người giám sát đã thực hiện đăng ký tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của vợ bạn.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!