Nhiều người vẫn cho rằng CSGT chỉ được dừng xe người đang tham gia giao thông khi phát hiện lỗi vi phạm và phải chứng minh được lỗi vi phạm đó. Hoặc có ý kiến cho rằng CSGT chỉ được dừng xe với người không vi phạm khi có lực lượng Cảnh sát cơ động đi cùng. Vậy vấn đề này đúng, sai thế nào? CSGT có phải chứng minh lỗi vi phạm của người chạy xe trước khi kiểm tra giấy tờ hay không? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Thông tư 32/2023/TT-BCA;

– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Bị CSGT dừng xe nhưng không có lỗi, phải làm gì?

Khi bị CSGT dừng xe mà không biết mình có lỗi gì, bạn hãy bình tĩnh xử lý tình huống như sau:

– Chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT

CSGT thường sử dụng gậy chỉ huy giao thông và còi ra tín hiệu yêu cầu dừng xe. Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của CSGT.

– Cung cấp giấy tờ theo yêu cầu để kiểm tra

Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA, các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông mà CSGT yêu cầu kiểm tra bao gồm:

  • Giấy phép lái xe;
  • Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;
  • Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định);
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ).

Người tham gia giao thông có thể cung cấp bản giấy của các giấy tờ trên hoặc sử dụng thông tin đã tích hợp trên VNeID để CSGT kiểm tra.

Ngoài ra, CSGT còn có thể tra các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông và hàng hóa trên phương tiện. Người điều khiển phương tiện cần hợp tác với CSGT trong quá trình kiểm tra.

– Yêu cầu CSGT cho xem hình ảnh nếu thông báo có vi phạm

Người điều khiển phương tiện có quyền được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập CSGT nếu có thông báo vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 19 Thông tư 32/2023/TT-BCA.

Tổ Cảnh sát giao thông có trách nhiệm cho người vi phạm xem tại nơi kiểm soát; nếu chưa có thông tin, hình ảnh, kết quả tại nơi kiểm soát thì hướng dẫn người vi phạm xem khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.

Việc yêu cầu CSGT cho xem hình ảnh vi phạm là vô cùng cần thiết để biết mình có thật sự có lỗi hay không.

Ngoài ra, tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012, người tham gia giao thông cũng có quyền chứng minh bản thân không vi phạm.

– Khiếu nại nếu CSGT xử phạt không đúng

Trường hợp không có chứng cứ chứng minh vi phạm mà CSGT vẫn xử phạt, người tham gia giao thông có quyền khiếu nại về quyết định xử phạt hành chính của CSGT.

Việc khiếu nại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua đơn khiếu nại. Trong đó, đơn khiếu nại phải có các nội dung:

– Ngày, tháng, năm khiếu nại;

– Tên, địa chỉ người khiếu nại; Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;

– Lý do khiếu nại;

– Tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại.

– Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

4 trường hợp CSGT được dừng xe kiểm tra

CSGT được dừng phương tiện để kiểm soát giao thông khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA như sau: 

– CSGT trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

– CSGT thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội đã được ban hành.

– CSGT có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

– CSGT nhận được tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và xe tham gia giao thông.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!