Dưới 14 tuổi là độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý do đó dễ chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài mà thực hiện các hành vi sai lệch, nghiêm trọng là hành vi giết người. Vậy người dưới 14 tuổi giết người có bị đi tù không? Hãy cùng theo dõi bài viết “Chưa đủ 14 tuổi phạm tội giết người có bị đi tù không” của Mys Law dưới đây để được giải đáp.

1. Trẻ em dưới 14 tuổi phạm tội giết người là gì?

Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng của con người. 

Người nào khi chưa đủ 14 tuổi thực hiện hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 sẽ được xem là trẻ em dưới 14 tuổi phạm tội giết người.

2. Người dưới 14 tuổi phạm tội giết người có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

Như vậy, người dưới 14 tuổi là đối tượng không phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, kể cả tội phạm giết người.

3. Hình phạt đối với người phạm tội giết người dưới 14 tuổi 

Mặc dù người dưới 14 tuổi phạm tội giết người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Cụ thể như sau: 

Khung 1: Áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

– Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự. Trường hợp người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp này.

– Thời hạn áp dụng biện pháp này là từ 03 tháng đến 06 tháng, mục đích để giáo dục, quản lý người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi tại nơi cư trú hoặc cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly đối tượng này khỏi cộng đồng.

Khung 2: Áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

– Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.

– Thời hạn áp dụng biện pháp này là từ 06 tháng đến 24 tháng, mục đích giúp người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự giáo dục, quản lý của nhà trường.

Khung 3: Giáo dục tại gia đình 

Trường hợp người từ đủ 12 tuổi đến 14 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người chưa đủ 12 tuổi phạm tội.

4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha mẹ người phạm tội dưới 14 tuổi 

Đối với trường hợp người dưới 14 tuổi phạm tội thì cha mẹ của người phạm tội có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.”

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau: “Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.”

Như vậy, đối với người phạm tội dưới 14 tuổi thì cha mẹ có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do người dưới 14 tuổi được xác định là không có khả năng chịu trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng mà tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường thì có thể lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!