Niêm yết chứng khoán là quá trình định danh các chứng khoán đáp ứng đủ tiêu chuẩn được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán. Vậy hiện nay điều kiện để được hủy bỏ niêm yết chứng khoán một cách tự nguyện theo quy định được thực hiện như thế nào? Cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Chứng khoán năm 2019;
- Nghị định số: 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán ngày 31/12/2020
1. Khái niệm niêm yết chứng khoán
Theo khoản 24 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, niêm yết chứng khoán là việc đưa chứng khoán có đủ điều kiện niêm yết vào giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết.
Cụ thể, chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
– Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
– Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
– Chứng khoán phái sinh;
– Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
(Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019)
2. Điều kiện để được hủy bỏ niêm yết chứng khoán tự nguyện
2.1. Điều kiện được hủy bỏ niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tự nguyện
Cụ thể tại khoản 1 Điều 121 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, điều kiện được hủy bỏ niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tự nguyện như sau:
– Quyết định hủy bỏ niêm yết tự nguyện được Đại hội đồng cổ đông, Đại hội nhà đầu tư biểu quyết thông qua theo quy định pháp luật doanh nghiệp, quy định tại Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó phải được trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn thông qua;
– Việc hủy bỏ niêm yết tự nguyện chỉ được thực hiện sau tối thiểu 02 năm kể từ ngày có Quyết định chấp thuận niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.
2.2. Điều kiện được hủy bỏ niêm yết chứng quyền có bảo đảm tự nguyện
Tổ chức phát hành được hủy niêm yết tự nguyện một phần hoặc toàn bộ chứng quyền chưa lưu hành sau ngày niêm yết tối thiểu là 30 ngày theo nguyên tắc:
– Trường hợp vẫn còn chứng quyền đang lưu hành, số chứng quyền còn lại (sau khi trừ phần dự kiến hủy niêm yết) đạt tối thiểu 10% số chứng quyền đã phát hành;
– Trường hợp tổ chức phát hành đã sở hữu toàn bộ số chứng quyền đã phát hành, tổ chức phát hành được đề nghị hủy niêm yết tất cả số chứng quyền đã phát hành.
(Khoản 2 Điều 121 Nghị định 155/2020/NĐ-CP)
3. Thủ tục hủy bỏ niêm yết chứng khoán tự nguyện
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở giao dịch chứng khoán ban hành quyết định chấp thuận hủy niêm yết chứng khoán tự nguyện; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(Khoản 4 Điều 121 Nghị định 155/2020/NĐ-CP)
4. Hồ sơ đề nghị huỷ bỏ niêm yết chứng khoán tự nguyện
Hồ sơ đề nghị hủy bỏ niêm yết tự nguyện bao gồm:
a) Giấy đề nghị hủy bỏ niêm yết tự nguyện theo Mẫu số 32 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Quyết định của Đại hội đồng cổ đông (đối với trường hợp hủy bỏ niêm yết cổ phiếu) hoặc của Đại hội nhà đầu tư (đối với trường hợp hủy bỏ niêm yết chứng chỉ quỹ) hoặc của Hội đồng quản trị (đối với trường hợp hủy bỏ niêm yết chứng quyền có bảo đảm) thông qua việc hủy bỏ niêm yết tự nguyện;
c) Phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông sau khi hủy niêm yết tự nguyện đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua (đối với trường hợp hủy bỏ niêm yết cổ phiếu).
5. Chính sách phát triển thị trường chứng khoán hiện nay
Theo Điều 6 Luật Chứng khoán 2019, các chính sách phát triển thị trường chứng khoán bao gồm:
– Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển.
– Nhà nước có chính sách quản lý, giám sát bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả.
– Nhà nước có chính sách đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cho hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán
Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng.