Thời gian qua, hoạt động đòi nợ thuê đã biến tướng tinh vi, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, thậm chí có tình trạng “núp bóng” công ty luật để hoạt động đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính… Vậy với hành vi đòi nợ thuê núp bóng công ty luật bị xử lí như thế nào? Cùng Mys Law tìm hiểu chi tiết thông qua bài viết “Đứng tên công ty luật đòi nợ thuê kiểu giang hồ, luật sư có bị xử lý?” dưới đây.

Trường hợp gần đây, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can và tạm giữ hình sự 10 nghi phạm (đều là người của Công ty luật TNHH Pháp Việt, trụ sở ở đường Lê Văn Huân, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản. Bước đầu, CQĐT xác định các bị can đã có hành vi “khủng bố” đòi nợ tại Trường tiểu học K. (P.1, TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Theo Công an tỉnh Tiền Giang, hành vi của Ban Giám đốc và nhân viên Công ty luật TNHH Pháp Việt đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản; và có dấu hiệu của tội khủng bố, được quy định tại điều 299 bộ luật Hình sự. Nhóm bị can và nghi phạm khai nhận Công ty luật TNHH Pháp Việt “núp bóng” công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng (cùng là phó giám đốc) cầm đầu.

Chứng cứ thể hiện các bị can không có văn bằng chuyên ngành luật, mà chỉ thuê một người đủ điều kiện đứng tên làm đại diện pháp luật đăng ký pháp nhân công ty. Cụ thể, người đứng tên đại diện pháp luật Công ty luật TNHH Pháp Việt là bà L.T.T, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM.

(Ảnh minh họa: Đứng tên công ty luật đòi nợ thuê kiểu giang hồ, luật sư có bị xử lý?)

Pháp luật cấm đòi nợ thuê

Về hình thức một số tổ chức hành nghề luật sư (TCHNLS) thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay cần phải minh định dịch vụ đòi nợ thuê là trái luật vì quy định này đã được thể chế hóa tại điều 6 luật Đầu tư năm 2020. Vì là hành vi bị cấm, nên có chế tài để xử phạt từ 60 – 80 triệu đồng đối với cá nhân, với tổ chức thì phạt gấp đôi.

Theo luật sư Công, đòi nợ thuê mà luật Đầu tư cấm là dịch vụ thuần túy đòi nợ và bên thực hiện hoạt động đòi nợ không có chức năng đòi nợ mà pháp luật cho phép. Còn TCHNLS hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân khi thực hiện dịch vụ đòi nợ, thì đó là việc giải quyết một yêu cầu pháp lý từ thân chủ.

“Đòi nợ là một yêu cầu pháp lý thông thường. Tuy nhiên, chỉ có TCHNLS mới được thực hiện dịch vụ pháp lý này vì pháp luật đã giao quyền đặc thù này cho một nghề nghiệp chuyên biệt – nghề luật sư. Vì vậy, cá nhân hoặc tổ chức hành nghề luật lợi dụng chức năng này, hoặc các đối tượng núp bóng TCHNLS để thực hiện việc đòi nợ thuê trái pháp luật, nhằm có kết quả bằng mọi giá, thì đây là hành vi sai phạm và pháp luật xử lý”, luật sư Công nhìn nhận.

Bên cạnh đó, luật sư Công cũng cho hay, việc ngân hàng hay công ty tài chính bán khoản nợ cho TCHNLS hoặc có ủy quyền đòi nợ, theo quy định là không sai. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở quá trình thực hiện đòi nợ, phía TCHNLS có vượt quá phạm vi ủy quyền, thỏa thuận.

“Khi có cơ sở để chứng minh bên ủy quyền không biết hoặc biết mà không đồng ý việc vượt quá nội dung ủy quyền, thì bên ủy quyền không phải chịu trách nhiệm với phần vượt quá này của bên nhận ủy quyền”, luật sư Công chia sẻ.

Pháp luật VN nói chung không cho phép tổ chức hay cá nhân lợi dụng danh nghĩa công ty luật thông qua dịch vụ “xử lý nợ xấu” để hoạt động đòi nợ thuê trái pháp luật.

Ngoài ra về hoạt động hành nghề của luật sư, theo quy định tại luật Luật sư, chỉ các tổ chức hành nghề luật sư (công ty luật, văn phòng luật sư) mới có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý và những người hành nghề trong lĩnh vực này phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Tư pháp cấp. Dịch vụ pháp lý của luật sư theo quy định tại điều 4 luật Luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.

Với trường hợp luật sư cho thuê văn bằng, chứng chỉ luật để người khác thực hiện hàng loạt hành vi trái pháp luật, các luật sư vi phạm quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo; tạm đình chỉ tư cách thành viên đoàn luật sư từ 6 – 24 tháng; xóa tên khỏi danh sách luật sư của đoàn luật sư.

Ngoài việc bị xử lý kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trên đây là kiến thức mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng