Đánh bài gần như đã trở thành một phần không thể thiếu của những ngày Tết. Đây cũng là dịp để gia đình, bạn bè sum họp, tụ tập cùng nhau chơi một trò chơi. Thế nhưng, chơi bài vui ngày Tết thế nào để không phạm luật khi có không ít đối tượng, lợi dụng quan niệm này để biến tấu thành trò chơi để kiếm lời mà không biết hệ lụy để lại có thể rất nghiêm trọng. Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

– Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

1. Đánh bài ăn tiền trong dịp Tết có bị xử phạt hành chính hay không?

Đánh bài là hoạt động giải trí phổ biến dịp Tết, nhiều người cho rằng việc đánh bài là để cho vui ba ngày tết. Có một thực trạng đáng quan ngại là vào dịp Tết việc tụ tập đánh bài diễn ra khá thường xuyên, nhất là tại những quán xá, hộ gia đình, giữa xóm làng với nhau,…

Hiện nay, pháp luật không nghiêm cấm hoàn toàn hành vi đánh bài, mà chỉ nghiêm cấm đối với việc đánh bài ăn tiền hoặc bằng những tài sản khác.

Tuy nhiên hiện nay có một số người còn cho rằng đánh bài trong 3 mùng tết thì sẽ không bị xử phạt. Điều này là không có căn cứ, bởi lẽ hành vi đánh bài ăn tiền trái phép là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm tuyệt đối mà không có ngoại lệ nào khác dành cho dịp Tết.

Cụ thể, căn cứ Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định như sau:

Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;

b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;

c) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này.

Theo đó, vào bất kì ngày nào trong năm thì hành vi tham gia đánh bài ăn tiền đều được xem là trái phép và có thể bị xử phạt hành chính theo quy định về mức phạt tiền là từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Đồng thời còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.


2.
Đánh bài trong dịp Tết có thể bị vi phạm pháp luật hình sự hay không?

Căn cứ Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có quy định người có hành vi đánh bạc trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với những khung hình phạt như sau:

Khung 1: Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, đối với:

– Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

– Hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khung 2: bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm trong những trường hợp có các tình tiết sau:

– Có tính chất chuyên nghiệp;

– Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

– Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

– Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, chủ thể vi phạm và truy cứu trách nhiệm sụ có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

3. Đánh bài cho vui tại nhà dịp Tết mà không ăn tiền thì có vi phạm pháp luật hay không?

Như đã phân tích nêu trên, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi đánh bài trái phép là hành vi chơi bài dưới hình thức có mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật thì có thể bị xử phạt hành chính, cũng như có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội đánh bạc.

Theo đó, việc đánh bài cho vui tại nhà dịp Tết có ăn tiền thì dù chỉ 1 ngàn 2 ngàn thì cũng được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên pháp luật không cấm hoàn toàn việc đánh bài nếu trò giải trí này không mang mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật.

Tóm lại, vào dịp tết hình thức giải trí đánh bài vẫn được phép tuy nhiên không được thực hiện dưới hình thức ăn tiền, tài sản, hiện vật.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!