Hoãn chấp hành hình phạt tù là một chế định phản ánh chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta đối với người bị kết án khi có những điều kiện nhất định, cho phép họ chuyển việc chấp hành án sang một thời điểm khác muộn hơn và đặc biệt, chế định này chỉ dành cho một số đối tượng nhất định. Đối tượng đó chỉ bao gồm: người bị bệnh nặng, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người lao động duy nhất mà nếu bắt người này chấp hành hình phạt thì gia đình họ sẽ gặp khó khăn đặc biệt, đối với người bị kết án về tội ít nghiêm trọng và do nhu cầu công vụ. Vậy phụ nữ có thai được hoãn chấp hành hình phạt tù tối đa bao nhiêu lâu theo quy định của pháp luật?

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

1. Phụ nữ có thai được hoãn chấp hành hình phạt tù tối đa bao nhiêu lâu theo quy định của pháp luật?

Hoãn chấp hành hình phạt tù được quy định tại Điều 67 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

“Điều 67. Hoãn chấp hành hình phạt tù

1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:

a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.

2. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.”

Theo quy định này thì phụ nữ có thai có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi sinh con và đứa trẻ đủ 36 tháng tuổi.

2. Phụ nữ có thai phạm tội có được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không?

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

…”

Theo quy định này thì người phạm tội là phụ nữ có thai thì có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Lưu ý:

– Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

– Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

3. Phạm nhân là phụ nữ có thai được hưởng những chế độ nào theo quy định của pháp luật?

Phạm nhân là phụ nữ có thai được hưởng những chế độ được quy định tại Điều 51 Luật Thi hành án hình sự 2019, cụ thể như sau:

– Phạm nhân nữ có thai nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí nơi giam hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết, được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khỏe.

– Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động.

+ Trong thời gian nghỉ sinh con, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sỹ hoặc bác sỹ, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh.

+ Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con.

– Trẻ em dưới 36 tháng tuổi, trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong trại giam được hưởng chế độ ăn, mặc, ở, cấp phát nhu yếu phẩm và được chăm sóc y tế, khám chữa bệnh để bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.

– Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh cho con của phạm nhân. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chấp hành án có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh.

– Phạm nhân nữ có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng.

+ Trường hợp con của phạm nhân không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải đề nghị cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng.

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.

– Trại giam phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!