Thuê nhà là một nhu cầu tất yếu của rất nhiều người khi đến sinh sống, làm việc hoặc du lịch ở một nơi khác. Do đó, có thể nói đây là loại giao dịch dân sự rất phổ biến trong đời sống. Đa số các loại nhà ở đều được chủ sở hữu nhà niêm yết giá. Tuy nhiên, trong thời gian thuê nhà, nhiều trường hợp chủ nhà đã tự ý tăng giá thuê. Điều này xuất phát từ tình hình thị trường nhà ở, cùng với giá cả hàng hóa, dịch vụ khác. Và đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người thuê nhà. Vậy tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý thì người thuê nhà có quyền gì? Hãy cùng Mys Law cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

1. Thế nào là tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý? Tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý thì người thuê nhà ở có quyền gì?

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 30 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định:

Điều 30. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà, công trình xây dựng

1. Bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà, công trình xây dựng khi bên thuê có một trong các hành vi sau đây:

a) Thanh toán tiền thuê nhà, công trình xây dựng chậm 03 tháng trở lên so với thời điểm thanh toán tiền đã ghi trong hợp đồng mà không được sự chấp thuận của bên cho thuê;

b) Sử dụng nhà, công trình xây dựng không đúng mục đích thuê;

c) Cố ý gây hư hỏng nghiêm trọng nhà, công trình xây dựng thuê;

d) Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, đổi hoặc cho thuê lại nhà, công trình xây dựng đang thuê mà không có thỏa thuận trong hợp đồng hoặc không được bên cho thuê đồng ý bằng văn bản.

2. Bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà, công trình xây dựng khi bên cho thuê có một trong các hành vi sau đây:

a) Không sửa chữa nhà, công trình xây dựng khi nhà, công trình xây dựng không bảo đảm an toàn để sử dụng hoặc gây thiệt hại cho bên thuê;

b) Tăng giá thuê nhà, công trình xây dựng bất hợp lý;

c) Quyền sử dụng nhà, công trình xây dựng bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

Hiện hành không có văn bản giải thích rõ thế nào là tăng giá bất hợp lý. Việc tăng giá bất hợp lý ở đây phải xem xét dựa trên các yếu tố sau:

– Thỏa thuận tăng giá trong hợp đồng: Tăng giá không phù hợp với thỏa thuận ban đầu.

– Thời điểm tăng giá: Việc tăng giá phải có lộ trình cụ thể, trường hợp không có thỏa thuận thì khoảng cách giữa các lần tăng giá phải phù hợp (ví dụ như mới tăng tháng 1 nhưng đến tháng 3 lại tăng thì có thể xem xét là tăng bất hợp lý).

– Khoảng cách giá trị giữa các lần tăng: Nếu không có thỏa thuận thì phải xem xét tính phù hợp của từng lần tăng giá (ví dụ bình thường chỉ tăng 10% nhưng đột nhiên tăng 30% thì có thể xem xét là bất hợp lý).

– Căn cứ bên cho thuê đưa ra để tăng giá: Ở đây phải xem xét lý do mà bên thuê sử dụng để tăng giá. Nếu không có lý do chính đáng như nâng cấp phòng, sửa chữa, tăng phí quản lý vận hàng (trường hợp bên thứ 3 quản lý vận hành),… và cũng không có thỏa thuận gì trong hợp đồng thì xem xét đây là yếu tố bất hợp lý.

Theo đó, khi chủ nhà tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý thì người thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà.

2. Bên thuê nhà ở có quyền và nghĩa vụ gì khi thuê nhà ở?

Bên thuê nhà ở có quyền được quy định tại điều 28 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định như sau:

– Yêu cầu bên cho thuê giao nhà, công trình xây dựng theo thỏa thuận trong hợp đồng.

– Yêu cầu bên cho thuê cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về nhà, công trình xây dựng.

– Được đổi nhà, công trình xây dựng đang thuê với người thuê khác nếu được bên cho thuê đồng ý bằng văn bản.

– Được cho thuê lại một phần hoặc toàn bộ nhà, công trình xây dựng nếu có thỏa thuận trong hợp đồng hoặc được bên cho thuê đồng ý bằng văn bản.

– Được tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận với bên cho thuê trong trường hợp thay đổi chủ sở hữu.

– Yêu cầu bên cho thuê sửa chữa nhà, công trình xây dựng trong trường hợp nhà, công trình xây dựng bị hư hỏng không phải do lỗi của mình gây ra.

– Yêu cầu bên cho thuê bồi thường thiệt hại do lỗi của bên cho thuê gây ra.

– Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này.

– Các quyền khác trong hợp đồng.

Bên thuê nhà ở có nghĩa vụ được quy định tại Điều 29 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 như sau:

– Bảo quản, sử dụng nhà, công trình xây dựng đúng công năng, thiết kế và thỏa thuận trong hợp đồng.

– Thanh toán đủ tiền thuê nhà, công trình xây dựng theo thời hạn và phương thức thỏa thuận trong hợp đồng.

– Sửa chữa hư hỏng của nhà, công trình xây dựng do lỗi của mình gây ra.

– Trả nhà, công trình xây dựng cho bên cho thuê theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.

– Không được thay đổi, cải tạo, phá dỡ nhà, công trình xây dựng nếu không có sự đồng ý của bên cho thuê.

– Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

– Các nghĩa vụ khác trong hợp đồng.

3. Việc cho thuê nhà ở được thực hiện dựa trên nguyên tắc nào?

Theo Điều 25 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì việc cho thuê nhà ở phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường và các dịch vụ cần thiết khác để vận hành, sử dụng bình thường theo công năng, thiết kế và các thỏa thuận trong hợp đồng.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!