Trên thực tế, vẫn xảy ra tình trạng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai đối tượng. Sai sót này có thể bị phát hiện bởi chính cơ quan này hoặc người có quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, người sử dụng đất gửi khiếu nại hoặc kiến nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thu hồi; hoặc khởi kiện để yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thủ tục diễn ra như thế nào? Thẩm quyền thuộc cơ quan nào? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Đất đai 2013;

– Luật Tố tụng hành chính 2015;

– Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;

– Văn bản số 02/2016/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân Tối cao giải đáp một số vấn đề về Tố tụng Hành chính, Tố tụng Dân sự.

1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là một quyết định hành chính cá biệt

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015 thì:

“Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan; tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan; tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”.

=> GCNQSDĐ là quyết định hành chính. Điều này cũng được thừa nhận trong văn bản số 02/2016/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng hình sự của Tòa án nhân dân Tối cao.

Khoản 2 Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 chỉ rõ:

“Quyết định cá biệt là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trong trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó”.

Từ những phân tích nêu trên thì GCNQSDĐ là một quyết định hành chính cá biệt. 

Vậy, GCNQSDĐ có thể là đối tượng khởi kiện theo thủ tục hành chính.

Hiện nay, việc xử lý GCNQSDĐ không hợp pháp có sự không đồng nhất giữa luật nội dung và luật hình thức khi mà luật hình thức yêu cầu HỦY còn luật nội dung quy định THU HỒI.

2. Thẩm quyền hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: 

“Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan; tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền; lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”.

Tòa án cấp tỉnh và cấp huyện có thẩm quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật (theo Điều 31, 32 Luật Tố tụng Hành chính 2015)

Rộng hơn, quy định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh tại Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính 2015 thì các vụ án dân sự có liên quan đến GCNQSDĐ trái pháp luật đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. 

=> Dẫn đến tình trạng các vụ án dân sự có liên quan đến GCNQSDĐ; thì Tòa án nhân dân cấp huyện chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Đồng thời, khi giải quyết vụ án; Tòa án phải đưa cơ quan đã cấp GCNQSDĐ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi; nghĩa vụ liên quan.

3. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi nào?

– Trong trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận mà người sử dụng đất; chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không giao nộp Giấy chứng nhận thì cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ có thể ra quyết định hủy Giấy chứng nhận đã cấp.

– Hủy GCNQSDĐ xảy ra khi trong 1 vụ án Dân sự liên quan đến GCNQSDĐ mà nguyên đơn là người khởi kiện yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy GCNQSDĐ của bị đơn. 

– Tuy nhiên, sau khi Tòa án tuyên hủy GCNQSDĐ thì xử lý hậu quả của việc hủy GCNQSDĐ này như thế nào cũng chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể.

4. Thủ tục hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Có 2 hướng khởi kiện trong trường hợp này là: Khởi kiện Dân sự và Khởi kiện Hành chính.

– Trường hợp khởi kiện Dân sự

+ Trong trường hợp này, ta sẽ khởi kiện chính người có tên trên sổ đỏ. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; thì đối tượng tranh chấp lúc này là bất động sản nên chỉ có Tòa án huyện nơi có bất động sản mới có thẩm quyền giải quyết.

+ Đối với thủ tục khởi kiện trong trường hợp này có một điều kiện đặc biệt đó là: Người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp trước tiên phải gửi đơn yêu cầu hòa giải đến UBND xã nơi có bất động sản tranh chấp theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 04/2017/NQ-HĐTP.

+ Trường hợp hòa giải không thành; người bị xâm phạm quyền lợi mới được quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện; nơi có bất động sản để giải quyết theo thủ tục chung.

+ Hồ sơ khởi kiện bao gồm: Đơn khởi kiện; Biên bản hòa giải tại xã và tất cả tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền bị xâm phạm.

– Trường hợp khởi kiện Hành chính

+ Theo như đã chứng minh ở trên, GCNQSDĐ là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính

+ Tòa án nhân dân cấp tỉnh là Tòa án có thẩm quyền giải quyết hủy Quyết định cá biệt trái pháp luật có liên quan.

+ Hồ sơ khởi kiện bao gồm: Đơn khởi kiện và tất cả tài liệu; chứng cứ chứng minh quyền bị xâm phạm.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!