Giám định quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi tắt là giám định) là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định. Vậy trường hợp nào có thể dược thực hiện giám định lại trong trường hợp. Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 17/2023/NĐ-CP.
1. Việc giám định quyền tác giả, quyền liên quan có thể được thực hiện giám định lại trong trường hợp nào?
Giám định lại quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại khoản 2 Điều 106 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:
“Điều 106. Giám định bổ sung, giám định lại
1. Giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng về các nội dung cần giám định hoặc có phát sinh tình tiết mới cần làm rõ. Yêu cầu giám định bổ sung và việc thực hiện giám định bổ sung phải thực hiện theo các quy định đối với giám định lần đầu.
2. Giám định lại được thực hiện trong trường hợp người yêu cầu giám định không đồng ý với kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại có thể do tổ chức giám định, giám định viên đã giám định trước đó hoặc do tổ chức giám định, giám định viên khác thực hiện theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.
3. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa các kết luận giám định hoặc giữa kết luận giám định với ý kiến chuyên môn của cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về cùng một vấn đề cần giám định thì người yêu cầu giám định có thể tiếp tục yêu cầu tổ chức giám định, giám định viên khác thực hiện việc giám định lại.”
Như vậy, theo quy định, việc giám định quyền tác giả, quyền liên quan có thể được thực hiện giám định lại trong trường hợp người yêu cầu giám định không đồng ý với kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định.
Việc giám định lại có thể do tổ chức giám định, giám định viên đã giám định trước đó hoặc do tổ chức giám định, giám định viên khác thực hiện theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.
2. Giám định viên có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định quyền tác giả, quyền liên quan không?
Việc lấy mẫu giám định quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 104 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:
“Điều 104. Lấy mẫu giám định quyền tác giả, quyền liên quan
1. Tổ chức giám định, giám định viên có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định (các hiện vật cụ thể là yếu tố xâm phạm và đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ) hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định cung cấp mẫu giám định. Việc lấy mẫu giám định phải lập biên bản với sự chứng kiến và có chữ ký xác nhận của các bên liên quan.
2. Việc giao, nhận, trả lại mẫu giám định thực hiện theo quy định tại Điều 103 của Nghị định này.”
Theo quy định thì tổ chức giám định, giám định viên có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định (các hiện vật cụ thể là yếu tố xâm phạm và đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ) hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định cung cấp mẫu giám định.
Như vậy, giám định viên có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định quyền tác giả, quyền liên quan.
Lưu ý: Việc lấy mẫu giám định phải lập biên bản với sự chứng kiến và có chữ ký xác nhận của các bên liên quan.
3. Biên bản giao, nhận, trả lại đối tượng giám định quyền tác giả, quyền liên quan gồm những nội dung nào?
Việc giao, nhận, trả lại đối tượng giám định được quy định tại khoản 2 Điều 104 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:
“Điều 104. Lấy mẫu giám định quyền tác giả, quyền liên quan
…2. Việc giao, nhận, trả lại mẫu giám định thực hiện theo quy định tại Điều 103 của Nghị định này.”
Đồng thời, căn cứ Điều 103 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:
“Điều 103. Giao, nhận, trả lại đối tượng giám định quyền tác giả, quyền liên quan
Trong trường hợp việc yêu cầu giám định có kèm theo đối tượng giám định thì việc giao, nhận, trả lại đối tượng giám định phải lập thành biên bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Thời gian, địa điểm giao, nhận, trả lại đối tượng giám định.
2. Tên, địa chỉ của bên giao và bên nhận đối tượng giám định hoặc của người đại diện.
3. Tên đối tượng giám định; tài liệu hoặc đồ vật có liên quan.
4. Tình trạng và cách thức bảo quản đối tượng giám định khi giao, nhận, trả lại.
5. Chữ ký của bên giao và bên nhận đối tượng giám định.”
Như vậy, trường hợp việc yêu cầu giám định có kèm theo đối tượng giám định thì việc giao, nhận, trả lại đối tượng giám định phải lập thành biên bản và có 05 nội dung chủ yếu sau đây:
(1) Thời gian, địa điểm giao, nhận, trả lại đối tượng giám định.
(2) Tên, địa chỉ của bên giao và bên nhận đối tượng giám định hoặc của người đại diện.
(3) Tên đối tượng giám định; tài liệu hoặc đồ vật có liên quan.
(4) Tình trạng và cách thức bảo quản đối tượng giám định khi giao, nhận, trả lại.
(5) Chữ ký của bên giao và bên nhận đối tượng giám định.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!