Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu. Vậy hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhằm mục đích từ thiện có cần phải ghi nhãn phụ hay không theo quy định? Hãy cùng Mys Law tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

– Nghị định 111/2021/NĐ-CP;

– Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

1. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhằm mục đích từ thiện có cần phải ghi nhãn phụ hay không?

Hàng hóa nhập khẩu mục đích từ thiện có cần phải ghi nhãn phụ không, thì theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Theo đó tại Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP có quy định về ghi nhãn phụ như sau:

Ghi nhãn phụ

1. Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này.

…..

5. Những hàng hóa sau đây không phải ghi nhãn phụ:

a) Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường;

b) Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

Do đó, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa.

Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Bên cạnh đó, đối với hàng hóa trên không thuộc trường hợp không phải ghi nhãn phụ và trong đó không bao gồm hàng hóa nhập khẩu vì mục đích từ thiện.

Do đó hàng hóa nhập khẩu vì mục đích từ thiện vẫn phải tuân thủ quy định về ghi nhãn phụ.

2. Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhằm mục đích từ thiện bắt buộc phải có các nội dung nào?

Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhằm mục đích từ thiện bắt buộc phải có các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP như sau:

– Tên hàng hóa;

– Xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;

– Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

+ Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa;

+ Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.

3. Tên khoa học của thành phần định lượng của hàng hóa có được ghi tiếng nước ngoài không?

Tên khoa học của thành phần định lượng của hàng hóa có được ghi tiếng nước ngoài không, thì theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP như sau:

Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa

2. Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

4. Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh:

a) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;

b) Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất, dược chất, tá dược, thành phần của thuốc;

c) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;

d) Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất hàng hóa.

Như vậy, theo quy định trên thì tên khoa học của thành phần định lượng của hàng hóa nếu không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa thì có thể bằng tiếng nước ngoài có gốc chữ cái La tinh.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 0969.361.319 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!