Việc đăng ký nhãn hiệu tập thể là thủ tục khá phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí tuy nhiên nó rất quan trọng và cần thiết bởi có thực hiện công việc này thì quyền lợi hợp pháp của người kinh doanh cũng như các sản phẩm sáng chế của họ mới được pháp luật bảo vệ tốt nhất. Thông qua bài viết dưới đây, Mys Law sẽ giới thiệu “Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể mới nhất hiện nay được thực hiện như thế nào?”. Quý độc giả hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết.
Căn cứ pháp lí:
Luật sở hữu trí tuệ 2005
1. Nhãn hiệu tập thể là gì? Quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể thuộc về tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
2. Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu tập thể
Nhãn hiệu tập thể được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây :
+ Là dấu hiệu nhìn thấy được: Được thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
+ Có khả năng phân biệt: Có thể dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
+ Không thuộc trường hợp không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu.
3. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể bao gồm các loại giấy tờ sau và phải đáp ứng những yêu cầu sau:
3.1. Các giấy tờ cần có
+ Tờ khai đăng ký nhãn hiệu: Theo mẫu quy định, trong đó có mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
+ Mẫu nhãn hiệu: 5 mẫu; kích thước không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm, đúng màu sắc yêu cầu bảo hộ, có ảnh chụp hoặc hình vẽ phối cảnh nếu nhãn hiệu là hình ba chiều;
+ Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể: quy chế phải có đủ nội dung tối thiểu theo quy định tại khoản 4 điều 105 Luật sở hữu trí tuệ, bao gồm:
“4. Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
b) Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
c) Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
d) Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
đ) Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.”
+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
3.2. Những yêu cầu đối với hồ sơ đăng ký
– Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả: nêu rõ nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể; các yếu tố cấu thành; ý nghĩa của nhãn hiệu; phiên âm từ ngữ thuộc ngôn ngữ hình tượng; dịch tiếng Việt của từ ngữ bằng tiếng nước ngoài; nêu rõ nội dung và ý nghĩa của yếu tố hình;
– Danh mục hàng hoá, dịch vụ phải được nêu rõ và xếp nhóm phù hợp theo Bảng phân loại quốc tế về hàng hoá dịch vụ (ban hành kèm theo Thoả ước Nice);
– Đơn phải có tính thống nhất: mỗi đơn chỉ được yêu cầu đăng ký 1 nhãn hiệu dùng cho 1 hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ;
– Nếu nhãn hiệu xin đăng ký có chứa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, chủ đơn phải nộp kèm theo đơn tài liệu xác nhận tổ chức đăng ký nhãn hiệu tập thể là tổ chức của các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại địa phương tương ứng với chỉ dẫn địa lý. Nếu nhãn hiệu xin đăng ký có chứa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý đặc sản, chủ đơn phải nộp kèm theo đơn giấy phép của chính quyền địa phương (Uỷ ban nhân dân tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương) cho phép người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể mang dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý là địa danh.
4. Sở hữu và sử dụng nhãn hiệu tập thể
Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể là tổ chức tập thể (được thành lập theo pháp luật, gồm nhiều tổ chức, cá nhân thành viên tự nguyện gia nhập, hoạt động độc lập với nhau nhưng tuân theo điều lệ và các quy tắc hoạt động chung của tổ chức tập thể – có thể là hiệp hội, hợp tác xã, liên hiệp các hợp tác xã, tổng công ty; tập đoàn; công ty mẹ) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể;
Tổ chức tập thể sở hữu nhãn hiệu cho phép các thành viên sử dụng nhãn hiệu theo quy chế chung;
Các thành viên sử dụng nhãn hiệu tập thể phải được sự đồng ý của tổ chức tập thể và phải tuân thủ đầy đủ các quy định của quy chế sử dụng nhãn hiệu.
5. Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm. Để gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, tập thể, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn hiệu lực.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
– Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;
– Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
– Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
– Nhãn hiệu tập thể không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
– Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
6. Phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu tập thể
– Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ
– Phí công bố đơn: 120.000VNĐ
– Phí tra cứu phục vụ TĐND: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
– Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ
– Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
– Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ/01 sản phầm, dịch vụ.
7. Hình thức nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể
Để thực hiện việc nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, người nộp hồ sơ có thể lựa chọn một trong các hình thức sau:
7.1. Hình thức nộp trực tiếp
Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
– Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
7.2. Hình thức nộp đơn qua bưu điện
Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp. Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn cần gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó.
7.3. Hình thức nộp đơn trực tuyến
– Điều kiện để nộp đơn trực tuyến:
Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.
– Trình tự nộp đơn trực tuyến:
Người nộp đơn khai báo và gửi đơn đăng ký nhãn hiệu trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định. Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận. Trong trường hợp Người nộp đơn không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho Người nộp đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.
Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp, để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, người có nhu cầu cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo hồ sơ như đã đề cập ở trên. Với mỗi giấy tờ trong hồ sơ cần tiến hành các thủ tục nhất định. Tiếp đó, tiến hành thủ tục nộp hồ sơ và nộp phí tại cơ quan có thẩm quyền. Người nộp hồ sơ có thể lựa chọn một trong các hình thức nộp đơn trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp đơn trực tuyến.
Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!