Việc tìm hiểu các nội dung, quy định và các thông tin về lĩnh vực sở hữu trí tuệ là một trong những điều cần thiết. Bởi lẽ, sở hữu trí tuệ là kết quả của một quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, tiền bạc, công sức của cá nhân, tổ chức. Nhưng với thời đại phát triển hiện nay, việc bị ăn cắp ý tưởng thường xuyên xảy ra vì tổ chức, cá nhân không đăng ký bảo hộ cho sản phẩm trí tuệ của mình. Hãy cùng Mys Law tìm hiểu sở hữu trí tuệ bao gồm những đối tượng nào thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2009, 2019, 2022.
1. Quyền sở hữu trí là gì?
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Trong đó:
– Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
– Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
– Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
– Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của cá nhân, pháp nhân đối với các sản phẩm trí tuệ do con người sáng tạo. Đó là độc quyền được công nhận cho một người, một nhóm người hoặc một tổ chức, cho phép họ được sử dụng hay khai thác các khía cạnh thương mại của một sản phẩm sáng tạo.
2. Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ:
2.1 Quyền tác giả:
Đối tượng quyền tác giả bao gồm sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký (Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ)
Quyền liên quan đến quyền tác giả
Quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả (Khoản 2 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ);
2.2 Quyền sở hữu công nghiệp
Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.;
Sáng chế, giải pháp hữu ích
Để có được quyền đối với sáng chế/giải pháp hữu ích phải làm đơn xin cấp Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Đơn phải thể hiện đầy đủ bản chất của giải pháp kỹ thuật xin bảo hộ theo những hình thức được quy định chặt chẽ bởi pháp luật về sáng chế/giải pháp hữu ích. Đơn sẽ được xét nghiệm theo trình tự và thủ tục luật định. Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp nếu đơn được trình bày theo đúng quy định, sáng chế/giải pháp hữu ích trong đơn thỏa mãn các tiêu chuẩn bảo hộ, và người nộp đơn đã nộp đủ các khoản lệ phí quy định. Phạm vi, nội dung, thời hạn bảo hộ quyền đối với sáng chế/giải pháp hữu ích được xác định theo Bằng độc quyền được cấp.
Quyền đối với sáng chế/giải pháp hữu ích được bảo hộ trong thời hạn Bằng độc quyền có hiệu lực. Bằng độc quyền sáng chế, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 20 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ.
Kiểu dáng công nghiệp
Để có được quyền đối với Kiểu dáng công nghiệp phải làm đơn xin cấp Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ . Đơn phải thể hiện đầy đủ bản chất của Kiểu dáng công nghiệp xin bảo hộ theo những hình thức được quy định chặt chẽ bởi pháp luật về Kiểu dáng công nghiệp. Đơn sẽ được xét nghiệm theo trình tự và thủ tục luật định. Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp được cấp nếu đơn được trình bày theo đúng quy định, Kiểu dáng công nghiệp trong đơn thỏa mãn các tiêu chuẩn bảo hộ, và người nộp đơn đã nộp đủ các khoản lệ phí quy định. Phạm vi, nội dung, thời hạn bảo hộ quyền đối với Kiểu dáng công nghiệp được xác định theo Bằng độc quyền được cấp.
Thời hạn bảo hộ quyền đối với Kiểu dáng công nghiệp là thời hạn Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực. Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ và có thể được gia hạn liên tiếp 2 lần, mỗi lần 5 năm.
Nhãn hiệu hàng hóa
Để có được quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá phải làm đơn xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Đơn phải tuân theo những hình thức được quy định chặt chẽ bởi pháp luật về nhãn hiệu hàng hoá Đơn sẽ được xét nghiệm theo trình tự và thủ tục luật định. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá được cấp nếu đơn được trình bày theo đúng quy định, nhãn hiệu hàng hoá trong đơn thỏa mãn các tiêu chuẩn bảo hộ, và người nộp đơn đã nộp đủ các khoản lệ phí quy định. Phạm vi, nội dung, thời hạn bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá được xác định theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá được cấp.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần 10 năm. Thời hạn bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá phát sinh trên cơ sở đăng ký quốc tế theo Thoả ước madrid được Nhà nước bảo hộ từ ngày đăng ký quốc tế được công bố trên Công báo nhãn hiệu hàng hoá quốc tế của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đến hết thời hạn hiệu lực đăng ký quốc tế theo Thoả ước Madrid. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ vô thời hạn tính từ ngày nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng ghi trong Quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.
Chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hóa
Chỉ dẫn địa lý (không bao gồm tên gọi xuất xứ hàng hoá) được bảo hộ mà không cần phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tên gọi xuất xứ hàng hoá chỉ được bảo hộ thông qua việc đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Giấy chứng nhận đăng ký tên gọi xuất xứ hàng hoá có hiệu lực vô thời hạn.
Tên địa lý nước ngoài chỉ được chấp nhận bảo hộ tại Việt Nam nếu đang được bảo hộ tại nước mang tên hoặc có địa phương mang tên đó.
Tên thương mại
Tên thương mại được tự động bảo hộ (không cần phải đăng ký) khi đáp ứng các yêu cầu nêu trên. Tên thương mại được bảo hộ chừng nào chủ sở hữu vẫn còn duy trì hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.
Bí mật kinh doanh
Bí mật kinh doanh được bảo hộ mà không cần phải nộp đơn đăng ký, và được bảo hộ khi bí mật kinh doanh còn đáp ứng đủ các điều kiện bảo hộ sau đây: Không phải là hiểu biết thông thường; Có giá trị thương mại đối với người nắm giữ thông tin đó và đem lại cho chủ sở hữu lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh những người không nắm giữ thông tin đó; Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Thiết kế bố trí mạch tích hợp
Phải làm đơn xin cấp Bằng độc quyền Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ để được hưởng quyền. Bằng độc quyền Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được cấp nếu đơn được trình bày theo đúng quy định, Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ, và người nộp đơn đã nộp đủ các khoản lệ phí quy định.
Bằng độc quyền Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thời hạn bảo hộ Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn bắt đầu từ ngày cấp Văn bằng bảo hộ và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau:
(i) Ngày kết thúc 10 năm, kể từ ngày cấp Văn bằng;
(ii) Ngày kết thúc 10 năm, kể từ ngày Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được người có quyền nộp đơn hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;
(iii) Ngày kết thúc 15 năm, kể từ ngày tạo ra Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
2.3 Quyền đối với giống cây trồng
Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định (Khoản 4 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ).
Để được bảo hộ thì giống cây trồng mới phải thuộc các chi, loài cây trồng trong danh mục được bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, phải có tính khác biệt; có tính đồng nhất; có tính ổn định; có tính mới về mặt thương mại và có tên gọi phù hợp.
Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp. Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ có quyền cho phép hay không cho phép người khác sử dụng vật liệu nhân của giống được bảo hộ, sản phẩm thu hoạch nhận được từ việc gieo trồng vật liệu nhân của giống được bảo hộ trong các hoạt động kinh doanh hoặc nhằm mục đích kinh doanh.
Thời hạn bảo hộ giống cây trồng mới là 20 năm, đối với cây thân gỗ và nho là 25 năm. Thời gian bắt đầu được bảo hộ tính từ ngày hồ sơ yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới được Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới chấp nhận là hồ sơ hợp lệ.
Trên đây là thông tin được Mys law đề cập tới. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng!