Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Trên thực tế, quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân thường xuyên bị xâm phạm bởi các chủ thể khác. Do đó, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có các quy định nhằm bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, tổ chức. Sau đây, Mys Law xin cung cấp những thông tin cần thiết về vấn đề xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Nghị định 65/2023/NĐ-CP;

– Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022.

1. Những hành vi nào được coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?

Quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005(được bổ sung bởi điểm a, b, d khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) như sau:

Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

4. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Theo đó, quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Như vậy, căn cứ quy định tại Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì các hành vi được coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:

(1) Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;

(2) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

2. Tổn thất thực tế do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây ra được xác định như thế nào?

Thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định 65/2023/NĐ-CP thì thiệt hại được coi là tổn thất thực tế do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây ra nếu có đủ các căn cứ sau đây:

(1) Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại;

(2) Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích vật chất hoặc tinh thần nói trên;

(3) Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.

Trong đó:

(1) Tổn thất về tài sản

Được xác định theo mức độ giảm sút hoặc bị mất về giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và được xác định theo một hoặc các căn cứ sau đây:

– Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp;

– Giá trị góp vốn kinh doanh bằng quyền sở hữu công nghiệp;

– Giá trị quyền sở hữu công nghiệp trong tổng số tài sản của doanh nghiệp;

– Giá trị đầu tư cho việc tạo ra và phát triển đối tượng quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm các chi phí tiếp thị, nghiên cứu, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác)

(2) Tổn thất về tinh thần

Là các tổn thất phát sinh do quyền nhân thân của tác giả bị xâm phạm dẫn đến tác giả bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm, bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm (uy tín), danh tiếng, lòng tin vì bị hiểu nhầm.

3. Tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xác định dựa trên những căn cứ nào?

Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, ­­có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Căn cứ xác định tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 81 Nghị định 65/2023/NĐ-CP như sau:

(1) Tính chất xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xác định dựa trên các căn cứ sau đây:

– Hoàn cảnh, động cơ xâm phạm:

+ Xâm phạm do vô ý,

+ Xâm phạm cố ý,

+ Xâm phạm do bị khống chế hoặc bị lệ thuộc,

+ Xâm phạm lần đầu, tái phạm;

– Cách thức thực hiện hành vi xâm phạm:

+ Xâm phạm riêng lẻ,

+ Xâm phạm có tổ chức,

+ Tự thực hiện hành vi xâm phạm,

+ Mua chuộc, lừa dối, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi xâm phạm.

(2) Mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xác định dựa trên các căn cứ sau đây:

– Phạm vi lãnh thổ, thời gian, khối lượng, quy mô thực hiện hành vi xâm phạm;

– Ảnh hưởng, hậu quả của hành vi xâm phạm.

Trên đây là thông tin mà Mys Law cung cấp. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết xin vui lòng liên hệ 1900866637 hoặc email: [email protected] để được giải đáp.

Trân trọng!